Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Dinh dưỡng phục hồi sau điều trị COVID-19

22/04/2022
Share

Dinh dưỡng cho người sau nhiễm Covid-19 rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, khôi phục sức khoẻ sau bệnh tật.

 

Người bệnh sau nhiễm Covid-19 dễ bị suy dinh dưỡng, kèm theo những triệu chứng liên quan đến dinh dưỡng như: mệt mỏi, chán ăn, thậm chí rất khó ăn khi bị sốt, nhiễm trùng, suy hô hấp.

 

1. Chế độ dinh dưỡng phục hồi sức khỏe hậu COVID- 19

 

Nhu cầu năng lượng 30-35kcal/kg cân nặng tùy thuốc theo lứa tuổi, hoạt động.

 

Năng lượng trong khẩu phần ăn sẽ được cung cấp bởi các thực phẩm trong chế độ ăn thuộc 3 nhóm: Nhóm thực phẩm giàu chất bột đường (gạo, ngũ cốc, khoai, củ, bún, phở); Nhóm thực phẩm giàu đạm, nên ưu tiên sử dụng đạm có hoạt tính sinh học cao nguồn gốc động vật, nhu cầu protein: 1,2-2g/kg cân nặng thực tế/ngày. Một số thực phẩm giàu đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, tôm, trứng...; Nhóm thực phẩm giàu chất béo (mỡ động vật, bơ, dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu).

 

Ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày.

 

 

2. Lựa chọn thực phẩm

 

Thực phẩm nên dùng:

 

* Nên sử dụng thực phẩm có hàm lượng protein cao trong mỗi bữa ăn: thịt nạc, cá, trứng, sữa chua, phomat, sữa…

 

* Tăng cường bổ sung thực phẩm chưa nhiều omega-3 như cá hồi, dầu oliu...

 

* Bổ sung hoạt chất EPA là 1 loại omega-3 giúp giảm tình trạng viêm, tăng cường miễn dịch.


* Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/ 1 tuần.

 

* Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 1-2 cốc/ngày, vì sữa có thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi.

 

 

Dinh dưỡng phục hồi sau điều trị Covid-19

 

* Ăn nhiều rau tươi, quả chín, rau thơm, rau quả nhiều chất xơ.

 

* Tăng cường bổ sung thực phẩm rau màu xanh sẫm và hoa quả màu đỏ hoặc vàng có chứa nhiều vitamin E,C,A, selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống,.. Nhu cầu rau xanh từ 400 - 600 g/người/ngày và hoa quả là 200-300g/người/ngày.

 

 

* Chia nhỏ bữa thành nhiều lần trong ngày. Ngoài 3 bữa chính, có thể ăn thêm 2 bữa phụ sáng và chiều, tránh ăn quá no.

 

* Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

 

Thực phẩm cần hạn chế:

 

* Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, súc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua, thịt hun khói, thịt nướng… Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.

 

 

Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều muối

 

Ngoài ra, cần phối hợp hồi phục dinh dưỡng với luyện tập và phục hồi chức năng, có thể áp dụng các bài thể dục nhẹ nhàng từ 30-45 phút/ngày.

 

3. Một số lưu ý về dinh dưỡng sau mắc bệnh COVID-19:

 

* Khi người bệnh mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng:

 

- Chia nhỏ bữa ăn 4-6 bữa/ngày hoặc ăn vài giờ 1 lần.

 

- Ăn thực phẩm giàu protein trước bữa ăn.

 

- Ăn thực phẩm giàu calo và protein sữa nguyên chất, sữa cao năng lượng.

 

- Cân nhắc bổ sung vitamin tổng hợp nếu ăn không đủ (50% hoặc ít hơn).

 

* Khi có thay đổi vị giác:

 

- Có thể ăn thức ăn lạnh hơn để có cảm giác.

 

- Thêm gia vị như: đường, muối... để tạo vị cho món ăn.

 

- Nếu có khô miệng thì có thể nhai kẹo cao su trước, sau bữa ăn.

 

- Đánh răng thường xuyên để tránh mảng bám.

 

* Đặc biệt nếu có bệnh lý nền: Nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để kết hợp hướng dẫn chế độ dinh dưỡng của bệnh lý nền với tình trạng hiện tại sao cho phù hợp nhất. Các bệnh lý nền như: Đái tháo đường, Suy thận, Tăng huyết áp, Viêm gan, COPD, Bệnh gout (gút)…

 

4. Thực đơn mẫu

 

Giờ ăn

Thực đơn số 1

Thực đơn số 2

6h30-

7h00

Phở thịt bò (hoặc thay thế bằng 1 miệng

 bát con cơm)

 +  Bánh phở: 150g ( lưng bát con)

 +  Thịt bò 30g (7-8 miếng mỏng)

 +  Hành lá, rau thơm…

Bún thịt nạc

+  Bún: 200g (1 nửa bát to)

+  Thịt nạc 50g (4-5 miếng mỏng)

+  Hành lá, rau thơm…

 

9h00

1 cốc sữa công thức

 

1 cốc sữa công thức

 

11h30-12h00

Cơm gạo tẻ

+  2 lưng bát con (gạo 100g)

+ Thịt gà rang gừng (150g - 2 miếng)

+   Rau muống luộc (200g- 1 bát con đầy)

+   Dầu ăn 6g (1 thìa 5ml)

Cơm gạo tẻ

 +  2 lưng bát con (gạo 130g)

 +  Thịt bò xào cần tỏi: 100g

 +   Rau muống luộc 200g (1 miệng bát con)

 +   Dầu ăn 8g (1,5 thìa 5ml)

15h00

Nước cam 1 cốc 200ml: Cam 200g + 5g đường

Nước cam 1 cốc 200ml: Cam 300g + 10g đường

18h00-19h00

Cơm gạo tẻ

+ 2 lưng bát con (gạo 100g)

+ Trứng gà quấn hành (1 quả)

+ Giá đỗ xào thịt (giá 200g, thịt lợn nạc 50g)

+  Canh cải bó xôi (50g)

+  Dầu ăn 5g (1 thìa 5ml)

Cơm gạo tẻ

 +  2 lưng bát con (gạo 120g)

 +  Thịt lợn rang (100g – 10 miếng mỏng)

 +  Đậu sốt 1/2 bìa

 +  Bắp cải luộc 200g (1 lưng bát con rau)

 +  Dầu ăn 7g (1 thìa 5ml đầy)

Giá trị

dinh

dưỡng

Năng lượng: 1700-1800 Kcal/ngày

Pr:95-105g

L:33-35g

Năng lượng: 1900- 2000 Kcal/ngày

Pr:110-115g

L: 40-44g

 

Bệnh nhân hoặc người nhà cần giải đáp thêm hoặc có nhu cầu khám dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đăng ký khám và tư vấn tại phòng khám Dinh dưỡng, tầng 2 nhà A2 – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

 

BSCKI. Lê Thị Thành – CNDD Trương Thị Thanh Mai

Khoa Dinh Dưỡng - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình

Tin tức liên quan