Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Đánh giá kết quả điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể với sóng xung kích tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

27/12/2021
Share

Sỏi tiết niệu là một bệnh lý thường gặp chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 3% dân số. Sỏi thận chiếm 40 - 60% sỏi tiết niệu, gây nhiều biến chứng, gây suy thận và tử vong.

 

Bệnh nhân được tán sỏi ngoài cơ thể

 

Cho tới những năm 80 của thế kỷ XX, điều trị sỏi tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, một tỷ lệ đáng kể phải mổ mở và nhiều tai biến - biến chứng nặng xảy ra. Ngày nay, các phương pháp điều trị ít xâm hại được sử dụng đã giải quyết được hầu hết các bệnh nhân sỏi đường tiết niệu trên, tỷ lệ phải mổ mở chỉ còn khoảng từ 1 – 3%. Tại Việt Nam nhiều cơ sở y tế đã phát triển phương pháp tán sỏi đường tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, nhưng nghiên cứu điều trị sỏi sử dụng máy tán sỏi xung kích chưa nhiều và mới chỉ có một vài báo cáo về kết quả bước đầu.

 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích bắt đầu được triển khai năm 2020. Bài viết này nhằm thông báo kết quả bước đầu của một phương pháp ít xâm lấn của nhóm nghiên cứu khoa Ngoại Tiết Niệu và Nam học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

                 

Máy tán sỏi ngoài cơ thể

 

Bệnh nhân nằm ngửa, vùng hông lưng áp trên hai trống nước nhỏ có mặt bằng silicone được bơm nước căng, đuổi hết không khí. Sau khi định vị sỏi, bơm căng gối nước sao cho diện tiếp xúc giữa 2 gối nước và lưng, hông bệnh nhân đủ lớn. Trong quá trình tán sỏi bệnh nhân được yêu cầu nằm bất động, đeo tai nghe tránh ồn, theo hướng dẫn của nhân viên Y tế. Thời gian tính từ khi máy phát ra xung đầu tiên tới khi ngừng phát xung (tính bằng phút). Theo dõi sau 3 giờ (tại phòng tán sỏi): mạch, huyết áp, nhiệt độ, cảm giác đau, màu sắc nước tiểu ở lần đi tiểu đầu tiên sau tán. Chụp X quang kiểm tra ngày thứ 2 sau tán và ra viện nếu như không có diễn biến đặc biệt. Những bệnh nhân tiểu máu kéo dài, sốt cao sau tán, đau nhiều vùng thận được nhập viện để làm các xét nghiệm, theo dõi và điều trị. Chỉ định tán sỏi lại khi sỏi vỡ để lại mảnh > 4mm và không di chuyển sau 01 tháng. Nếu sau 3 lần tán không đạt kết quả sẽ chuyển sang điều trị bằng phương pháp khác.

 

Kết quả, từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 09 năm 2021: 62 BN với 67 thận có sỏi được điều trị, tổng cộng có 85 viên sỏi được tán và số lần tán sỏi là 89. Tỷ lệ tan sỏi thành mảnh < 4mm chiếm 97% (sỏi bể thận đơn thuần: 90,5%, sỏi đài thận: 82,5% sỏi đài dưới đơn thuần chiếm 85%). Tỷ lệ hết sỏi sau 1 lần tán: 47/67TH (70,1%); sau 2 lần tán: 83,5%; sau 3 lần tán: 88,1% (sỏi bể thận đơn thuần: 93,5 %, sỏi đài trên và đài giữa: 80,9 %, sỏi đài dưới kết hợp: 50%, sỏi đài dưới đơn thuần 66,7%. Có 08 BN (11,9%) gồm: Đau nhiều vùng thận, tắc niệu quản, đái máu kéo dài. Biến chứng đau nhiều vùng thận có 4 BN (5,97%). Bệnh nhân phải sử dụng thuốc giảm đau nhóm non - steroid dạng tiêm hoặc thuốc an thần. Biến chứng này thường chỉ kéo dài 1 - 2 ngày đầu sau tán sỏi do thận bị phù nề.

 

Tán sỏi bằng máy xung kích cho kết quả tốt (82,1%), trung bình (16,4%), xấu (1,5%), chỉ định các trường hợp sỏi thận có kích thước sỏi ≤ 25mm bước đầu là kỹ thuật ít xâm lấn, an toàn, dễ thực hiện, ít tai biến và chi phí thấp.

 

                                                               Khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học

 

                 

 

 

 

Tin tức liên quan