Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Vàng da ở trẻ sơ sinh, phân biệt giữa vàng da sinh lý và bệnh lý

06/09/2022
Share

Vàng da sơ sinh là hiện tượng các tế bào hồng cầu bị vỡ với số lượng lớn, giải phóng ra chất bilirubin tự do, gây hiện tượng vàng da. Đây cũng chính là hiện tượng thay thế các hồng cầu sơ sinh (hồng cầu chứa HbF) bằng các hồng cầu trưởng thành. Trong thời kỳ mang thai, gan của người mẹ sẽ loại bỏ bilirubin cho thai nhi. Sau khi sinh, phải mất một thời gian gan của bé mới bắt đầu làm việc. Kết quả là bilirubin bị tích tụ trong máu của trẻ và gây vàng da.  

 

Vàng da sơ sinh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có khi tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh do bilirubin thấm vào não. Hậu quả là trẻ sẽ tử vong hoặc để lại di chứng não suốt đời. Những ngày đầu sau sinh là  “thời gian vàng” để bố mẹ theo dõi tình trạng vàng da ở trẻ, để phát hiện và điều trị kịp thời các trường hợp vàng da bệnh lý. Vàng da bệnh lý phát hiện ở giai đoạn muộn khi bilirubin đã thấm vào tế bào não, quá trình điều trị sẽ không có hiệu quả hoặc để lại di chứng nặng nề về não.

 

 

Phân biệt vàng da sinh lý và bệnh lý:

 

Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh:

 

- Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sinh.

- Vàng da nhẹ ở mặt, ngực, vùng thân trên rốn.

- Trẻ vẫn khỏe, bú tốt, tăng cân đều.

- Đại tiện phân vàng.

- Thường tự khỏi sau 1 tuần.

 

Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh:

 

- Xuất hiện sớm trong 24 – 48 giờ đầu sau sinh.

- Vàng da nhiều, tăng nhanh.

- Trẻ không khỏe, bú kém hơn hoặc bỏ bú.

- Đại tiện phân bạc màu.

- Thời gian vàng da kéo dài hơn.

 

Cách phát hiện và theo dõi trẻ vàng da:

 

- Không cho trẻ nằm trong buồng tối.

- Quan sát màu da trẻ hàng ngày dưới ánh sáng mặt trời.

- Mang trẻ đến cơ sở y tế, bác sĩ nhi khám ngay khi thấy màu da trẻ vàng.

- Cho trẻ tắm nắng mỗi sáng.

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều hơn.

- Tái khám mỗi ngày cho đến khi trẻ hết vàng da (thường trong vòng 1 tuần sau sinh)

- Theo dõi sát tiến triển vàng da.

- Theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu của vàng da nặng như: ngủ gà, bỏ bú, giảm hay tăng trương lực cơ, khóc thét, sốt, co giật…

 

Phương pháp điều trị:

 

Các biện pháp điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý đều nhằm mục đích nhanh chóng loại bỏ bilirubin ra khỏi máu bệnh nhi, như: truyền dịch, truyền albumin, chiếu đèn, thay máu.

 

BSCKI. Ninh Duy Kiên

Phó Trưởng khoa Nhi – BVĐK tỉnh Hoà Bình

Tin tức liên quan