Mới đây, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã triển khai thành công kỹ thuật loại đặc biệt – Nội soi phế quản dưới gây mê ở trẻ. Đây là thủ thuật có ý nghĩa lớn, cần thiết trong việc thăm dò, chẩn đoán và can thiệp các bệnh lý hô hấp. Đồng thời, là tiền đề quan trọng trong phát triển chuyên môn sâu chuyên ngành hô hấp tại khoa Nhi.
Đến nay, khoa Nhi đã triển khai thành công nội soi tiêu hoá và nội soi phế quản dưới gây mê nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho trẻ
Nội soi phế quản (nội soi hô hấp) ở trẻ em là thủ thuật dùng một ống soi nhỏ với một đầu được gắn camera và đèn đưa vào đường thở của trẻ để quan sát và đánh giá đường thở (gồm mũi họng, thanh khí phế quản) đồng thời có thể lấy bệnh phẩm là các chất tiết và tế bào đường hô hấp bằng việc hút rửa đường thở ngoại vi và phế nang.
Thông thường, đối với những trường hợp cần nội soi ở trẻ gặp rất nhiều khó khăn do việc can thiệp vào đường thở khi trẻ còn đang tỉnh táo thường rất khó tiến hành do sự bất hợp tác của trẻ, đường thở ở trẻ em nhỏ, hẹp, phản xạ co thắt mạnh, niêm mạc đường thở dễ tổn thương.
Tuy nhiên, cho đến nay, với sự cố gắng phát triển trong chuyên môn, khoa Nhi đã đưa được kỹ thuật khó trên về triển khai thành công tại khoa. Việc áp dụng gây mê trong nội soi phế quản cho trẻ đã giúp việc thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản một cách thuận lợi, nhanh chóng, tìm được chính xác căn nguyên vấn đề ở trẻ.
BS.CKI Đặng Thành Chung, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh Hoà Bình cho biết, đây là một kỹ thuật khó, nằm trong nhóm kỹ thuật loại đặc biệt theo quy định của Bộ Y tế. Việc triển khai kỹ thuật này có ý nghĩa quan trọng trong công tác chuyên môn của khoa và của Bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng điều trị.
Thông qua kỹ thuật nội soi phế quản dưới gây mê, các bác sĩ có thể chẩn đoán nhiều bệnh lý hô hấp như: Nghi ngờ có dị vật đường thở, tai biến khi hít phải khí độc, hoá chất v.v…, ho ra máu, dò khí - phế - thực quản, thăm dò việc mở khí quản, xẹp phổi hay bít tắc gây khí phế thũng, tổn thương phổi không tốt lên sau điều trị, tổn thương phổi tái phát trong cùng một vùng tổn thương, viêm phổi cơ hội, viêm phổi tổ chức kẽ ở bệnh nhi suy giảm miễn dịch, viêm phổi nhu mô - tổ chức kẽ lan toả, khó thở, cò cử và ho dai dẳng, tăng lên thất thường, cần tìm nguyên nhân từ sự chèn ép bên ngoài, một sự tắc nghẽn phế quản, giảm nhu động…Ngoài ra nội soi phế quản với mục đích điều trị, can thiệp như: Lấy bỏ dị vật, xẹp phổi : Phẫu thuật lồng ngực, hô hấp nhân tạo, sử dụng kháng sinh tại chỗ, chống nấm, nong giãn một hẹp khí phế quản, cắt bỏ 1 u hạt, khí phế thũng do tắc nghẽn, u phế quản lành tính (laser, liệu pháp cắt bỏ)…
Trước đó, khoa Nhi cũng đã triển khai và đưa vào thường quy nội soi tiêu hoá gây mê từ tháng 3/2021, đặt nền móng cho những kỹ thuật can thiệp khó dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Nguyễn Tuyết