Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và can thiệp mang lại cơ hội cho bệnh nhân nặng

17/06/2021
Share

Người bệnh L.V.T, 63 tuổi, Đà Bắc, Hoà Bình nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 18/5 do chảy máu não trên nền bệnh tăng huyết áp vô căn. Với căn bệnh của ông, quá trình điều trị là cả vấn đề gian nan bởi hậu quả của tai biến là đi kèm các vấn đề sức khoẻ khác cả trong và sau quá trình điều trị. Tuy nhiên, người bệnh đã được áp dụng các kỹ thuật hiện đại nhất như mổ lấy máu tụ sọ não bằng kính vi phẫu, nội soi khí phế quản bằng ống mềm giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

 

 

BS.CKII Tạ Huy Kiên, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nọi soi phế quản can thiệp giải phóng đường thở cho bệnh nhân sau phẫu thuật tai biến mạch máu não

 

Với chẩn đoán trên, máu tụ chèn ép não người bệnh đã được mổ lấy máu tụ nội sọ bằng kính vi phẫu tại khoa Ngoại Thần kinh. Sau mổ sức khoẻ bệnh nhân ổn định, tình trạng tri giác tốt. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có hiện tượng bít tắc đường thở do đờm xuất hiện. Nếu đường thở không được giải phóng sẽ gây tắc khí phế quản, làm xẹp phổi gây suy hô hấp và tử vong.

 

Bệnh nhân sau đó đã được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để làm nội soi khí phế quản ống mềm can thiệp. BS.CKII Tạ Huy Kiên, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, nội soi khí phế quản là một kỹ thuật khó đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải là người có kinh nghiệm và tay nghề cao. Đây là thủ thuật được thực hiện bằng cách dùng ống soi có gắn camera luồn vào quan sát bên trong đường hô hấp. Soi phế quản được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý thuộc chuyên khoa hô hấp.

 

Ở đơn vị Hồi sức cấp cứu, nội soi phế quản có thể được ứng dụng để làm thông thoáng đường thở bằng cách hút sạch đờm, chất tiết bít tắc phế quản.... Kết hợp với việc làm sạch đường thở, thủ thuật này có thể giúp lấy bệnh phẩm hoặc chẩn đoán sơ bộ hình thái của đường hô hấp như nội soi lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết nhằm chẩn đoán lao phổi, u phổi. Hai là nhóm bệnh nhân cần can thiệp cấp cứu do bị hít sặc đờm cần phải hút ổ tắc; bệnh nhân sau ngộ độc bị sặc chất độc vào cần bơm rửa làm sạch; và nhóm bệnh nhân có dị vật đường thở nhưng biện pháp thông thường không thể lấy dị vật. Đối với bệnh nhân L.V.T, khoa đã tiến hành can thiệp làm sạch đường thở bằng nội soi khí phế quản. Sau can thiệp, hiện sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định.

 

Nội soi phế quản lấy nút đờm không thay thế cho các kỹ thuật hút đờm thông thường, liệu pháp hô hấp hàng ngày như vỗ rung, lật trở, tập thở...

 

BS Kiên cho biết thêm, khi thực hiện kỹ thuật nội soi khí phế quản, cần lưu ý đến các chống chỉ định. Trong đó, chống chỉ định tuyệt đối với rối loạn nhịp tim đe doạ tính mạng chưa khống chế được; Không thể duy trì tình trạng oxy máu của người bệnh ở mức an toàn khi làm thủ thuật; Suy hô hấp cấp có tăng CO2 máu (trừ trường hợp đã có nội khí quản thở máy). Chống chỉ định tương đối với người bệnh tỉnh chưa có nội khí quản nhưng không hợp tác; Mới bị nhồi máu cơ tim; Tắc nội khí quản nặng (cần phải thay); Rối loạn đông máu chưa được khống chế.

 

Với những trường hợp bệnh nhân nặng như trên, BS Kiên khuyến cáo bệnh nhân cần được tăng cường chăm sóc, trong đó tăng cường kỹ năng chăm sóc của cán bộ điều dưỡng. Trường hợp có bít tắc do hít sặc thì cần có chỉ định sớm tránh hiện tượng đóng quánh đờm gây khó khăn cho công tác điều trị.

 

N.T

 

Tin tức liên quan