Sốt xuất huyết Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF) hay Sốt dengue (dengue fever, DF), là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Virus dengue có 4 typ nên người bệnh có thể mắc lại sốt xuất huyết Dengue. Bệnh xảy ra quanh năm thường gia tăng vào mùa mưa, gặp cả trẻ em và người lớn. Bệnh có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, người dân cần nắm rõ dấu hiệu sốt xuất huyết để phòng tránh và điều trị kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, tức là gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đều có kế hoạch phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế
Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn sốt: Người bệnh xuất hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài từ 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên; chán ăn, cảm giác buồn nôn và nôn; da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da.
Giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết): Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm nhưng không thể nghĩ rằng người bệnh đang hồi phục mà ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi sự xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra.
Trong giai đoạn này, người bệnh xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Chảy máu mũi, chân răng, chảy máu cam. Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện: bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Có thể bị hạ huyết áp do hiện tượng cô đặc máu nếu không bù đủ dịch bệnh nhân.
Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường.
Giai đoạn hồi phục: Người bệnh hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.
Khi bị sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh có thể bị nguy hiểm tính mạng do thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp; chảy máu nặng hoặc tổn thương tạng nặng. Hiện nay, chưa có biện pháp phòng bệnh và điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Tất cả các vị trí có thể có muỗi gồm: Buồng bệnh, hành lang, kho chứa, các khu vực ngoại cảnh đều được phun thuốc diệt muỗi
Nguyễn Tuyết