Khoảng 01h ngày 19/02, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình tiếp nhận trường hợp bệnh nhi P.D.K, 12 tháng tuổi ở TP Hòa Bình. Người nhà cho biết, trước vào viện 3 giờ, K có hiện tượng chảy nước mũi nhiều. Gia đình đã tự rửa mũi cho bé bằng cách dùng xy lanh y tế hút dung dịch nước muối sinh lý rồi bơm trực tiếp vào mũi, số lượng khoảng 20ml. Tuy nhiên, sau bơm rửa, trẻ quấy khóc nhiều bất thường. Người nhà kiểm tra lại mới phát hiện đã bơm nhầm dung dịch cồn 90 độ. Ngay sau đó, trẻ được xử trí rửa mũi lại bằng nước sạch và nhanh chóng được đưa vào bệnh viện.
Bác sĩ Huyền thăm khám lại cho bé B.D.K
Thăm khám lâm sàng cho thấy: trẻ tỉnh, không sốt, quấy khóc, chảy nước mũi và ho nhiều, bỏ ăn, bỏ bú. Mũi hai bên đỏ, thở khò khè…được bác sỹ chỉ định làm các xét nghiệm máu và chụp Xquang tim phổi… Kết quả cho thấy trẻ bị viêm phổi, men gan tăng nhẹ. Trẻ được điều trị theo đúng phác đồ. Đến nay đã ổn định và chuẩn bị được ra viện.
Theo bác sĩ Đặng Vũ Minh Huyền, Khoa Nhi BVĐK tỉnh, việc rửa nhầm cồn vào mũi trẻ là vô cùng nguy hại. Lượng dung dịch khi đưa vào mũi, ngoài gây bỏng niêm mạc mũi tại chỗ thì còn có khả năng gây viêm phổi, ngộ độc cồn nếu trẻ hít phải nhiều. Nhiều trẻ sau những tai nạn như trên còn bị sang chấn tâm lý, thường rất sợ hãi mỗi lần bố mẹ có ý định rửa mũi hoặc nhỏ mũi cho con.
Thống kê cho thấy, hầu như các tháng khoa Nhi đều tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi bị các sự cố do sơ xuất của gia đình như: nhỏ nhầm cồn vào mũi, uống nhầm dầu máy khâu, dầu hỏa thắp đèn. Nguyên nhân do dung dịch sinh hoạt được đựng vào vỏ chai nước ngọt trà xanh, Lavie, C2… Qua các trường hợp trên, Bác sỹ Huyền khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý khi vệ sinh mũi cho con vì chai cồn và chai nước muối rất giống nhau về hình thức và kích cỡ, tốt nhất nên để riêng tránh nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra. Nếu chẳng may nhầm lẫn, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu đúng phương pháp.
Bên cạnh đó, Bác sĩ Huyền thông tin thêm, bố mẹ cũng không nên tự ý rửa mũi cho con bằng xi lanh y tế do áp lực từ việc dùng xi lanh bơm trực tiếp nước muối vào mũi trẻ có thể gây tổn thương niêm mạc mũi nhiều hơn, viêm ngược lên tai giữa. Đầu xi lanh sắc cứng cũng là một nguyên nhân dễ gây chảy máu, trầy xước niêm mạc mũi trẻ.
Nguyễn Tuyết