Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Phẫu thuật lấy thai, nên hay không nên

09/02/2021
Share

Trung bình, mỗi tháng, khoa Phụ Sản, BVĐK tỉnh HB tiếp đón từ 200 – đến 230 sản phụ đến làm thủ tục sinh đẻ. Tháng cao điểm lên tới 250 người. Tuy nhiên, trong số hàng trăm ca đến làm thủ tục thì có đến 40% bày tỏ nguyện vọng xin được phẫu thuật lấy thai (sinh mổ). Vậy có nên phẫu thuật lấy thai hay không, bài viết xin được phân tích sâu về phương pháp này.

 

 

Để xác định sinh mổ hay sinh thường tốt hơn cần thăm khám kỹ trước sinh, đánh giá nguy cơ và lựa chọn phương pháp phù hợp

 

Phẫu thuật lấy thai (sinh mổ) là phương pháp có sự can thiệp của bác sỹ để lấy thai trong các trường hợp sản phụ không thể đẻ con đường dưới thông thường. Ví dụ như thai có ngôi không thuận, rau tiền đạo, thai to, mẹ thấp bé, sản phụ có các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật…

 

Tuy nhiên sinh thường hay sinh mổ đều nên thuận theo tự nhiên, bệnh nhân không thể lựa chọn mà cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Thuận theo tự nhiên ở đây được hiểu rằng, đối với trường hợp có chỉ định mổ thì mới được mổ và các trường hợp còn lại sẽ theo dõi sinh thường. Để xác định sinh mổ hay sinh thường tốt hơn cần thăm khám kỹ trước sinh, đánh giá nguy cơ và lựa chọn phương pháp phù hợp.

 

Thông thường, nếu sức khoẻ của mẹ ổn định và thai nhi bình thường thì sinh thường là phương pháp được lựa chọn để mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Mẹ sẽ phục hồi nhanh, có thể đi lại, ăn uống và chăm sóc con ngay sau sinh. Sau hai giờ đầu, mẹ có thể cho con bú, từ đó bảo vệ được nguồn sữa mẹ. Sinh thường còn giúp tử cung co hồi tốt hơn, giảm lượng máu mất sau sinh và hạn chế ứ sản dịch. Trẻ sinh thường được bú sữa mẹ sau những giờ đầu giúp bé không bị hạ đường huyết, thuận lợi cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, khi sinh thường, em bé đi qua đường âm đạo của mẹ, cơ thể sẽ được tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi, từ đó kích thích hệ miễn dịch của trẻ. Trong quá trình sinh áp lực ép của đường sinh giúp trẻ đẩy các dịch trong phổi ra ngoài nhiều hơn so với trẻ sinh mổ, hạn chế nguy cơ bệnh đường hô hấp.

 

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, tỉ lệ mổ lấy thai có xu hướng tăng do một số nguyên nhân như các chỉ định xã hội, các trường hợp đặc biệt như con quý hiếm (hiếm muộn), con chuyển phôi hoặc sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Một số không ít các bà mẹ trẻ nằng nặc đòi mổ với rất nhiều lý do như: nhanh chóng chấm dứt cơn đau chuyển dạ; cho rằng mổ lấy thai an toàn hơn; chọn ngày giờ đẹp chào đời…

 

Về mặt chuyên môn, bác sỹ nhấn mạnh chỉ nên phẫu thuật lấy thai trong những trường hợp có chỉ định y khoa, và những trường hợp sinh tự nhiên theo đường âm đạo không có lợi cho mẹ, bé hoặc cả hai. Việc phẫu thuật lấy thai khi không có chỉ định y khoa có thể gây những hậu quả không mong muốn. Trước hết là đối với thai nhi, dễ suy hô hấp do hít nước ối, nhiễm trùng hô hấp, sang chấn. Bên cạnh đó, đối với người mẹ dễ bị tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê, đau hậu phẫu, vận động hạn chế, nằm viện dài ngày. Hậu quả lâu dài khác có thể xảy ra như dính vết mổ, dính ruột, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, nhau bong non, nứt vết mổ trong lần có thai sau.

 

Rất nhiều trường hợp sau sinh mổ, vì quá đau đớn mà không thể bế con hoặc cho con bú theo dự định ban đầu. Vì vậy, các bà mẹ cần cân nhắc và tham vấn trước sinh để có sự chuẩn bị phù hợp và luôn không quên rằng, mục đích cuối cùng của một cuộc sinh nở là an toàn và thuận lợi nhất cho cả mẹ và bé.

 

BS.CKII Trần Thị Vân

         Trưởng khoa Phụ sản

Tin tức liên quan