Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ

26/01/2021
Share

B.K.N, sinh năm 2017 điều trị từ tháng 6/2020 đến nay do có biểu hiện chậm nói, ít chơi với các bạn cùng tuổi, biểu cảm hạn chế, không biết thể hiện tình cảm với người khác. Các bác sĩ chẩn đoán, bé mắc hội chứng tự kỷ.

Hiện, việc điều trị và can thiệp trẻ tự kỷ tại BVĐK tỉnh đã được bảo hiểm y tế thanh toán một phần

Khám sàng lọc ban đầu cho thấy, trẻ có đáp ứng với các âm thanh khác nhưng không đáp ứng khi gọi hỏi, giảm giao tiếp bằng mắt cả về tần số và thời gian. Trẻ thờ ơ, ít biểu cảm, không để ý tới thái độ của người khác. Mặc dù thời điểm vào viện, trẻ hơn 3 tuổi nhưng chỉ nói được một vài từ đơn giản, chủ yếu nói âm vô nghĩa, nhại lời, diễn đạt kém.

Theo bác sĩ Đặng Vũ Minh Huyền, đơn vị Tự kỷ, khoa Nhi, BVĐK tỉnh, những biểu hiện của B.K.N là những dấu hiệu rất rõ và đặc trưng ở trẻ tự kỷ, thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội. Các bạn luôn có một thế giới riêng và sống trong thế giới riêng đó, ít hoặc không muốn giao tiếp, tiếp xúc với người xung quanh.

Ngoài ra, ở trẻ tự kỷ còn có những dấu hiệu đặc trưng khácvề giảm tương tác xã hội, suy giảm chất lượng giao tiếp và có hành vi, thói quen, sở thích bất thường mang tính rập khuôn lặp đi lặp lại. Cụ thể như: Trẻ có cách chơi đồ chơi không phù hợp, không “kết nối” được với bạn bè, cười/khóc không hợp hoàn cảnh, hiếu động hoặc bị động thái quá, quá nhạy cảm với âm thanh, có hành động lạ với đồ vật, kiệm lời hoặc khó diễn đạt, khó thích nghi những thay đổi khác với thường ngày và thiếu nhận thức với sự nguy hiểm.

Can thiệp sớm giúp trẻ nhanh chóng tái hoà nhập cuộc sống

Bác sĩ Huyền cho biết, số lượng trẻ tự kỷ đến khám tại đơn vị năm 2020 khá nhiều với độ tuổi trung bình từ 18 – 36 tháng. Nhưng số trẻ nhập viện điều trị còn rất hạn chế, chỉ khoảng trên dưới mười bạn. Người mắc bệnh tự kỷ nếu không được phát hiện sớm, hoặc nếu gia đình chủ quan, thờ ơ, không tích cực thì có thể sẽ dẫn tới tương lai tàn tật ở trẻ. Ở mức độ nặng, người tự kỷ sẽ không có khả năng hoà nhập với xã hội, không tự nuôi sống được bản thân khi lớn lên và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Những dấu hiệu sớm báo động trẻ tự kỷ trước 24 tháng tuổi bố mẹ có thể quan sát như: Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; không có cử chỉ biểu lộ sự quan tâm xung quanh khi 12 tháng tuổi như chỉ ngón tay, vẫy tay mừng khi gặp người thân, bắt tay, tiếp xúc mắt, cười đáp người quen; không nói được dù chỉ 01 từ đơn khi 16 tháng tuổi; không tự nói câu hai từ khi 24 tháng và mất kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp ở bất kể lứa tuổi nào.

Để chẩn đoán và can thiệp cho trẻ mắc bệnh tự kỷ, các nhà chuyên môn sẽ cần thực hiện đánh giá trước can thiệp bao gồm phỏng vấn gia đình và quan sát trẻ trực tiếp ở môi trường tự nhiên trong một thời gian nhất định. Qua đó, lập chương trình và áp dụng các phương pháp can thiệp thích hợp nhất với trẻ. Thời gian can thiệp tuỳ vào từng trường hợp cụ thể cũng như việc kết hợp can thiệp từ phía gia đình và xã hội. Tốt nhất là giai đoạn sớm trước 24 tháng tuổi.

Không có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy can thiệp sớm bằng các biện pháp tâm lý, giáo dục đã mang lại những tiến bộ rõ rệt, làm tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hòa nhập xã hội ở trẻ. Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong các chiến lược can thiệp tự kỷ. Hiện, việc điều trị và can thiệp trẻ tự kỷ tại BVĐK tỉnh đã được bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị cho trẻ tự kỷ do quá trình điều trị rất lâu dài, không có giới hạn về thời gian cụ thể. Vì vậy cha mẹ cần kiên trì, tin tưởng và luôn đồng hành cùng con.

Nguyễn Tuyết (BVĐK tỉnh)

 

 

 

Tin tức liên quan