Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh cực non 700 gram hiếm gặp

04/01/2024
Share

Sinh cực non, tiên lượng cực xấu với nguy cơ tử vong cao là nhận định của các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi tiếp nhận trường hợp Hà Bình Thanh đến từ huyện Tân Lạc. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm, chuyên môn cao và trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng khoa, cùng sự quyết tâm của gia đình, những ngày đầu tiên của năm mới 2024, em bé đã được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh.

 

 

Cán bộ y tế khoa Nhi hỗ trợ chuẩn bị công tác ra viện cho hai mẹ con bé Bình Thanh

 

Hà Bình Thanh được sinh ra tại một trạm y tế thuộc huyện Tân Lạc khi chỉ vừa tròn 26 tuần tuổi. Với tuần tuổi quá non, em chỉ nặng 700g, lọt thỏm trong lòng bàn tay cán bộ đỡ đẻ. Nhận định được tình hình, các cán bộ trạm đã chuyển hai mẹ con lên Trung tâm Y tế Tân Lạc. Ngay sau đó, em bé được trợ thở chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong sự lo lắng của cán bộ y tế bởi quãng đường đi quá dài so với một đứa bé 700g như em.

 

Nín thở nghĩ về hành trình đầu tiên của Bình Thanh, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thở phào khi em kịp đến Bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, trước mắt ekip là cả một chặng đường lớn khác, khó khăn, gian nan và vất vả hơn với tình trạng nhập viện quá nặng. Bình Thanh không khóc, thở rên, phản xạ sơ sinh cực yếu (gần như không có phản xạ), da tím tái, nhịp tim chậm. Bình Thanh được chẩn đoán suy hô hấp nặng. Cuộc sống phía trước của em tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sơ sinh như ngạt, suy hô hấp, xuất huyết não và phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, tan máu, vàng da… Từ đây, các chuyên gia đầu ngành chuyên ngành Nhi – Sơ sinh gồm: BS.CKI Đặng Thành Chung, Trưởng khoa Nhi; BS.CKI Quách Thị Lơ, Phó trưởng khoa Nhi; BS.CKI Ninh Duy Kiên, Phó Trưởng khoa Nhi; BSNT Đặng Thùy Linh cùng các bác sĩ trong khoa đã hội chẩn và thống nhất đưa ra phác đồ điều trị cho Bình Thanh. Các biện pháp được áp dụng đồng thời bao gồm: Nằm lồng ấp, thở máy qua Nội khí quản, thở máy xâm nhập, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, kháng sinh, thuốc vận mạch… qua catheter tĩnh mạch rốn. Đồng thời đặt động mạch rốn để theo dõi huyết áp liên tục.

 

BS.CKI Quách Thị Lơ, Phó Trưởng khoa Nhi cho biết, bên cạnh các biện pháp trên, các chế độ ánh sáng, tiếng ồn, chống nhiễm khuẩn… cũng được khoa đặc biệt kiểm soát nghiêm ngặt. Các hoạt động chăm sóc cho trẻ được tiến hành hết sức tỉ mỉ suốt 24/24 giờ trong gần ba tháng. Theo dõi từ những tình trạng nhỏ nhất như việc thở, khóc, ngủ đến việc ăn của trẻ. Đặc biệt trong việc tập ăn, từ những 01ml sữa đầu tiên, tăng dần từng 01 ml tiếp theo cho đến khi trẻ tự ăn được 30ml sữa/bữa như trước khi ra viện. Cứ như thế, tình trạng của trẻ chuyển biến tích cực. Trẻ được rút nội khí quản, chuyển qua thở máy không xâm nhập. Dần dần, trẻ có thể ăn sữa mẹ hoàn toàn qua sonde dạ dày, được cai máy thở, chuyển qua thở oxy gọng, dinh dưỡng hoàn toàn bằng đường miệng.

 

Sau đúng 79 ngày được nuôi dưỡng và chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bình Thanh phát triển ổn định và có thể tự bú mẹ. Ngày 02/01/2024, Bình Thanh được xuất viện với cân nặng tròn 2kg.

 

BS.CKI Đặng Thành Chung, Trưởng khoa Nhi nhận định, sự sống của Hà Bình Thanh thực sự là một công trình kỹ vĩ về chuyên môn của gần như tất cả tập thể khoa, từ các bác sĩ điều trị đến sự tận tâm chăm sóc của các điều dưỡng khoa. Ngày Bình Thanh xuất viện, đó không chỉ là ngày vui của gia đình mà còn là niềm vui, niềm tự hào của khoa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tên nhân vật đã được thay đổi).

 

Nguyễn Tuyết

Tin tức liên quan