Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phối hợp với Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng bệnh tan máu bẩm sinh. BS.CKI Nguyễn Thị San, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình trực tiếp nói chuyện tại Chương trình cùng gần 30 người bệnh mắc bệnh tan máu bẩm sinh đang điều trị tại khoa Nội Tổng hợp.
Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức khỏe để học tập, lao động.
Trên thế giới bệnh tan máu bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người, với khoảng 500.000 người mắc bệnh ở thể nặng. Ở nước ta có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, tương đương 13% dân số và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bị bệnh và gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 – 40%.
Tại tỉnh Hòa Bình đang triển khai mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm y tế, kết quả giai đoạn 2021 – 2024 đã tiến hành xét nghiệm được cho 1.349 người, trong đó 332 người mang gen bệnh.
Tại Chương trình, BS.CKI Nguyễn Thị San đã trình bày nội dung "Bệnh thalassimia, hiểu biết, phòng tránh và điều trị". ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, trình bày về Mô hình bệnh tan máu bẩm sinh tại Trạm y tế xã". Thông qua buổi nói chuyện bác sỹ chia sẻ đến người bệnh , người nhà người bệnh các kiến thức cơ bản nhất về bệnh và biện pháp phòng bệnh cho thế hệ sau bằng các hình thức tầm soát và phòng bệnh từ sớm.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là một trong số ít những đơn vị thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc được nhà nước đầu tư máy điện di huyết sắc tố để xét nghiệm máu phòng bệnh tan máu bẩm sinh. Bên cạnh đó, mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại Trạm y tế xã do Chi cục dân số kế hoạch hoá gia đình tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trạm y tế xã đã đến được tận các xã vùng sâu vùng xa với chi phí thấp để xét nghiệm cho người dân. Vì vậy, khi được tiếp cận các dịch vụ từ mô hình, người dân cố gắng tham gia thực hiện xét nghiệm và sàng lọc sớm bệnh tan máu bẩm sinh. Theo kế hoạch, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện 4 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong năm 2024.
ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ tại chương trình
BS.CKI Nguyễn Thị San chia sẻ tại chương trình
Nguyễn Tuyết