Thực phẩm là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư và có vai trò rất quan trọng trong việc kéo dài, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị ung thư. Vậy chế độ dinh dưỡng cho người ung thư cần chú ý những gì?
I. Một số loại thực phẩm có khả năng gây bệnh ung thư, bao gồm:
1. Đồ nướng, đồ cháy gây ung thư
Thịt (lợn, bò, gia cầm, cá,..) khi được nướng, rán ở nhiệt độ cao trên 200 độ sẽ sinh những chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, khi nướng thực phẩm có chất béo thì chất này khi chảy xuống than lửa, khói bốc lên cũng sinh ra các khí có nguy cơ gây ung thư.
Vì vậy, nên hạn chế ăn các món nướng. Khi chế biến các món ăn này cần chú ý:
- Không nướng trực tiếp thịt trên ngọn lửa hoặc bề mặt kim loại.
- Không nướng quá lâu, có thể sơ chế qua trước khi nướng.
- Bỏ phần mỡ trước khi nướng bởi phần thịt mỡ được nướng.
- Không ăn phần thịt bị cháy đen.
2. Thực phẩm hun khói
Thực phẩm hun khói có chứa chất gây ung thư, ăn nhiều dễ bị ung thư thực quản và dạ dày.
3. Thực phẩm chiên, rán
Thực phẩm chiên, rán làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, quá trình chiên kỹ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra sản phầm acrylaminde ( một chất độc tính thần kinh mạnh).
4. Thực phẩm bị nấm mốc
Những thực phẩm như gạo, lúa mì, đậu, ngô, lạc,... rất dễ ẩm mốc sau khi thu hoạch nếu không được bảo quản tốt. Nấm mốc sẽ sinh ra chất độc hại gây ung thư.
II. Những sai lầm thường gặp trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư.
1. Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Bồi bổ quá mức
Bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật, hóa xạ trị thường ăn uống kém, chức năng dạ dày suy giảm. Trong giai đoạn này nếu tích cực bồi bổ thì cơ thể sẽ không thể hấp thu hết được, dạ dày không kịp phục hồi sẽ dẫn đến không có lợi cho sự phục hồi của bệnh nhân.
Việc bồi bổ không nền dồn cùng một lúc mà cần phải từ từ, phụ hợp với lứa tuổi, khẩu vị, hoàn cảnh kinh tế,.. của từng người bệnh. Với bệnh nhân có tổn thương đường tiêu hóa như miệng, họng, thực quản, dạ dày,.. thì nên chia nhỏ bữa trong ngày (4-6 bữa/ngày), Tùy từng tình trạng giai đoạn của bệnh có các dạng chế biến khác nhau : mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, hấp thu ( cháo, súp, cơm, mềm…). Người bệnh cần uống nhiều nước trong ngày ( 2-2,5L/ngày).
2. Giảm ăn, kiêng ăn để bỏ đói để “bỏ đói khối u”
Nhiều người bệnh ung thư thường truyền tai nhau không nên ăn nhiều thịt, nhiều đồ bổ dưỡng vì như vậy khối u sẽ phát triển nhanh. Cần phải giảm ăn để bỏ đói khối u. Quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu chứng minh lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của việc điều trị ung thư bằng phương pháp nhịn ăn để bỏ đói khôi u. Hậu quả của việc nhịn ăn là sẽ dẫn đến tình trạng thể lực giảm sút và suy mòn, hệ miễn dịch suy yếu làm nhiễm trùng, vết thương lâu liền,...
Duy trì tình trạng dinh dưỡng đúng và đầy đủ và nền tảng của việc điều trị. Cơ thể khỏe mạnh, ăn uống hợp lý mới đáp ứng được điều trị.
3. Không cần kiêng khem, ăn uống thoải mái
Trái ngược với quan điểm bỏ đói khối u, thì nhiều người bệnh lại ăn uống thoải mái, không kiêng khem cũng là quan điểm sai lầm.
Người bệnh ung thư cần có chế độ dinh dưỡng tuân thủ theo nguyên tắc:
Những thực phẩm cần hạn chế, những thực phẩm không nên sử dụng và những thực phẩm nên dùng.
Những thực phẩm bệnh nhân ung thư nên dùng:
- NHÓM CHẤT BỘT ĐƯỜNG : gạo và các sản phẩm chế biến: miến, bún, phở. Từ khoai củ: khoai tây, khoai lang, khoai sọ…
- CHẤT BÉO : Dầu thực vật, dầu đậu nành,dầu vừng,..
- CHẤT ĐẠM: các loại từ thịt trắng, cá, trứng, sữa, tôm, cua….
- Rau xanh 400-600g/ngày, quả chín 200-400g/ngày.
- Uống đủ 1,5-2L nước /ngày.
- Tập luyện bộ môn phù hợp với tình trạng sức khỏe 30-45p/ngày.
Những thực phẩm bệnh nhân ung thư hạn chế dùng:
- Thực phẩm tẩm ướp nhiều, thịt đỏ, các món thịt nướng, thịt hun khói,các món xào, rán,quay.
- Sản phẩm chế biến công nghiệp:các loại bánh như bánh chả, bánh quy, đồ hộp, thịt nguội.
Những thực phẩm bệnh nhân ung thư KHÔNG nên dùng:
- Không nên dùng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,café, nước chè nên uống vào ban ngày hạn chế uống ban đêm.
- Không dùng các loại thức ăn bị nấm mốc như lạc mốc, đỗ đậu mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc…. Không nên ăn các loại củ mọc mầm như khoai tây, khoai lang.
- Không dùng dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần.
CNDD Trương Thị Thanh Mai
Khoa Dinh dưỡng, BVĐK tỉnh Hòa Bình