Từ ngày 1/6/2024, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình triển khai khám chữa bệnh theo Quyết định số 4750/QĐ-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế. Vì vậy, để thuận lợi trong quá trình khám chữa bệnh Nhân dân cần lưu ý những vấn đề sau:
I. Cần mang theo những gì khi đi khám:
A. Khám dịch vụ, viện phí
+ Giấy tờ tùy thân (thẻ Căn cước công dân, ứng dụng VNeID với tài khoản đã kích hoạt định danh điện tử; đối với trẻ em cần mang theo số định danh cá nhân);
+ Giấy tờ khác (nếu có): Giấy hẹn khám lại theo hẹn của bác sĩ; các giấy tờ liên quan đến thông tin khám bệnh từ các bệnh viện, cơ sở y tế khác như các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, chỉ định điều trị, các toa thuốc đang sử dụng (nên mang theo để bác sĩ nắm được tình trạng bệnh...)
+ Cần cung cấp số điện thoại chính chủ của người bệnh khi đăng ký khám bệnh. Hoặc số điện thoại người giám hộ nếu đăng ký hộ.
B. Khám sử dụng bảo hiểm y tế:
+ Giấy chuyển tuyến (đối với các thẻ BHYT có nơi đăng kí khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở). Giấy hẹn khám lại đối với trường hợp thuộc danh mục bệnh, nhóm bệnh, và các trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch.
+ Giấy tờ tùy thân (thẻ Căn cước công dân hoặc ứng dụng VNeID với tài khoản đã kích hoạt định danh điện tử; đối với trẻ em cần mang theo số định danh cá nhân)
+ Thẻ bảo hiểm y tế bản giấy (hoặc ứng dụng VSSID, ứng dụng VNeID với tài khoản đã được tích hợp thông tin bảo hiểm y tế tương ứng).
+ Giấy tờ khác (nếu có): Các giấy tờ liên quan đến thông tin khám bệnh từ các bệnh viện, cơ sở y tế khác như các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, chỉ định điều trị, các toa thuốc đang sử dụng (nên mang theo để bác sĩ nắm được tình trạng bệnh...)
+ Cần cung cấp số điện thoại chính chủ của người bệnh khi đăng ký khám bệnh. Hoặc SĐT người giám hộ nếu đăng ký hộ.
C. Lưu ý:
1. Đối với trường hợp thẻ bảo hiểm trái tuyến (nơi đăng kí khám chữa bệnh ban đầu không phải bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ) sau khi kết thúc khám nếu không có chỉ định nhập viện người bệnh sẽ phải thực hiện thanh toán viện phí, không được hưởng bảo hiểm. Nếu có chỉ định nhập viện sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương ứng với giá trị của thẻ BHYT của người bệnh. (Theo quy định tại khoản 3 điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014)
2. Bệnh nhân thuộc diện chế độ bảo vệ sức khoẻ cán bộ vẫn cần mang đầy đủ các giấy tờ, tránh các vướng mắc do thiếu thông tin. Ngoài ra các giấy tờ cũ về bệnh còn giúp bác sĩ nắm được lịch sử khám chữa bệnh.
II. Các bước thực hiện khi đến khám bệnh:
1. Lấy số thứ tự và cung cấp thông tin khám tại khu vực lấy số (khu chờ khám).
2. Đăng ký khám bệnh.
3. Chờ khám tại cửa phòng khám đã đăng ký.
4. Thực hiện các chỉ định cận lâm sàng (nếu có).
5. Quay trở lại phòng khám để được tư vấn nếu không có chỉ định nhập viện, bệnh nhân thanh toán, sau đó lấy thuốc bảo hiểm (nếu có). Nhập viện điều trị nội trú nếu có chỉ định nhập viện.
Nguyễn Thị Lan Anh - Đỗ Ngọc Bích