1. Bệnh suy thận mạn là gì?
- Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của các bệnh mạn tính về thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron, làm giảm dần mức lọc cầu thận.
- Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 50% (60ml/ phút so với bình thường (120ml/ phút) thì được gọi là suy thận mạn.
2. Người bệnh suy thận mạn nên ăn gì?
- Nhóm chất đạm: ưu tiên các thực phẩm có giá trị sinh học cao từ nguồn động vật (≥50%) Các loại thịt nạc, cá nạc, tôm, cua…
- Nhóm ngũ cốc: nên ăn các loại ngũ cốc có hàm lượng đạm thấp như: khoai củ, và các sản phẩm chế biến từ khoai củ…(gạo, mỳ chỉ nên ăn 100 -150g/ ngày “2 lưng đến 2 miệng bát con cơm”).
- Nhóm sữa: Nên dùng các loại sữa ít đạm.
- Nhóm rau: nên ăn các loại rau ít đạm như: rau họ cải, bầu, bí, mướp…
- Nhóm quả: nên chọn các loại quả ngọt như: táo tây, nho ngọt, xoài chín…
- Nhóm dầu mỡ: nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật: dầu đậu nành, dầu oliu, dầu vừng, dầu lạc …
* Nên thay đổi món ăn cho hợp khẩu vị, có các bữa ăn bổ sung giữa buổi chủ yếu là cung cấp Kalo như: chè khoai, khoai lang luộc, khoai sọ luộc…
3. Người bệnh suy thận nên hạn chế ăn những thực phẩm gì?
- Nhóm chất đạm:
+ đậu đỗ, sữa đậu nành.
+Mỡ động vật, phủ tạng động vật: tim, gan, bầu dục..
- Nhóm chất bột đường : Gạo chỉ nên ăn: 1-1,5 lạng (2 lưng - 2 miệng bát con cơm ).
- Nhóm rau xanh: các loại rau nhiều đạm: rau muống, rau ngót, rau dền, giá đỗ, đậu quả.
- Nhóm hoa quả: các loại quả chua như: cam chua, xoài chua…
- Khi kali máu cao thì hạn chế tối đa các thực phẩm giàu kali như: sầu riêng, mít dai, chuối, đậu tương, đậu xanh, rau khoai lang…
4. Người bị suy thận không nên ăn nhóm thực phẩm nào?
- Các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: các loại thịt hộp, cá hộp, pate, xúc xích, dưa muối, cà muối, mắm tôm, mắm tép…
- Mỳ chính.
- Các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.
5. Xây dựng thực đơn cho bệnh suy thận:
- Bệnh nhân nam 54 tuổi, nặng 58kg suy thận giai đoạn 2 chưa lọc máu ngoài thận.
- Năng lượng 1700 -1800Kcal, lượng đạm 40,6g
- Tổng lượng thực phẩm có thể dùng trong một ngày:
+ Gạo 130g; Miến dong 100g, Khoai củ 320g
+ Thịt, cá 122g; rau xanh 200g; quả chín 100g; đường kính 15g; Dầu ăn 25g.
+ Muối ăn: 2 - 3g (2 - 3 thìa nước mắm, thìa 5ml).
Bữa sáng : Miến xào thịt nạc
+ Miến dong 50g
+ Thịt nạc 35g (3 hoặc 4 miếng mỏng vừa)
+ Rau thơm, hành lá, dầu ăn 5ml.
Bữa phụ sáng: Nho ngọt 70g ( 7quả trung bình)
Bữa trưa : Cơm gạo tẻ, canh khoai sọ nấu sườn, Su su xào.
+ Gạo tẻ 65g + Miến 25g (1 miệng bát con)
+ Canh khoai sọ: Khoai sọ 160g (2 củ trung bình),
Sườn lợn cả xương 100g (4 miếng)
+ Su su xào 150g (1lưng bát con)
+ Dầu ăn 10ml
Bữa phụ chiều: Chè khoai sọ
+ Khoai sọ 160g (2 củ trung bình)
+ Bột sắn 25g ( 3 thìa, thìa 5ml)
+ Đường kính 15g (3 thìa cà phê)
Bữa tối: Cơm gạo tẻ, cá trắm rán, bí xanh nấu canh
+ Gạo tẻ 65g + Miến 25g (1 miệng bát con)
+ Cá trắm rán 60g (1 khúc nhỏ)
+ Bí xanh nấu canh 50g (lưng bát con)
+ Dầu ăn 10ml.
Bữa phụ tối: Khoai lang luộc 160g (1 củ trung bình)
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần giải đáp thêm hoặc có nhu cầu khám dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đăng ký khám và tư vấn tại phòng khám Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
BS.CKI Lê Thị Thành - ĐD Nguyễn Thị Tới
Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.