Một trong những vấn đề quan tâm lo lắng của các gia đình có trẻ nhỏ trong mùa đại dịch đó là co giật do sốt. Co giật do sốt là những cơn giật xảy ra trong quá trình một bệnh cấp tính có sốt (nhiệt độ đo được thường> 38,5 độ C) và thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Cha mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên khi bị sốt
Nhận biết trẻ bị co giật do sốt như sau: Trẻ đang sốt xuất hiện mất ý thức, chân tay co cứng hoặc co giật toàn thân thường cơn ngắn dưới 5 phút, tím tái, mắt trợn ngược, nghiến răng, chân tay lạnh, sau cơn giật trẻ thường mệt mỏi, buồn ngủ và có thể lú lẫn trong một khoảng thời gian ngắn.
Làm gì khi trẻ bị co giật do sốt
- Để trẻ nằm yên, tránh kích thích.
- Đặt đầu nằm nghiêng phải, nới bỏ quần áo.
- Chườm ấm trán nách cổ bẹn.
- Dùng thuốc hạ sốt: Dùng paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần dưới dạng đặt hậu môn hoặc uống nếu trẻ hết giật.
- Đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.
Hậu quả của co giật do sốt
Trên thực tế co giật do sốt đơn thuần thường không nguy hại cho não, tuy nhiên có một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng đến não do cơn co giật kéo dài (trên 10 phút) làm thiếu oxy não gây động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động về sau.
Việc cần làm để giảm bớt nguy cơ co giật do sốt
- Cho trẻ đi khám bác sỹ khi có biểu hiện sốt.
- Theo dõi nhiệt độ thường xuyên và cho dùng thuốc hạ sốt paracetamol 10-15mg/kg dạng uống hoặc đặt hậu môn cách 4-6 giờ khi sốt>=38,5 độ C, với trẻ có tiền sử sốt giật thì uống hạ sốt khi sốt>=38 độ C (hoặc uống Ibuprofen 5-10mg/kg/lần cách 6 giờ/ lần).
- Để trẻ ở nơi thoáng mát, nới bỏ quần áo, chườm ấm trán nách cổ bẹn cho đến khi nhiệt độ< 38 độ C.
Trên đây là các kiến thức cơ bản về phòng và xử trí co giật do sốt. Hy vọng có thể giúp ích cho các gia đình có trẻ nhỏ hạn chế tối đa tình trạng co giật do sốt ở trẻ và bình tĩnh xử trí nếu trẻ bị sốt giật.
Bác sỹ Bùi Thu Hà , Khoa Nhi- BVĐK tỉnh Hòa Bình