Virus Corona là chủng virus mới (COVID- 19) chưa từng xuất hiện ở người. Bùng phát vào cuối tháng 12/2019, ở Hồ Nam, Vũ Hán, Trung Quốc. Virus Corona ban đầu được xác nhận là một loại bệnh “viêm phổi lạ” hoặc “viêm phổi không rõ nguyên nhân”. Tính đến nay, COVID-19 đã lây lan ra hầu như toàn thế giới và để lại hậu quả nghiêm trọng cả về con người và kinh tế. Đầu tháng 7/2021, thế giới ghi nhận 379.978 trường hợp mắc COVID-19 và 8.208 ca tử vong. Ở Việt Nam, đã có 18121 ca nhiễm, và 81 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hoà Bình cũng là một trong các tỉnh nằm trong bản đồ COVID-19 với con số cộng dồn tính đến 01/7/2021 là 46 trường hợp (có 24 ca nhập cảnh, 22 ca mắc trong cộng đồng trong nước). Trong đó, đã điều trị khỏi 33 trường hợp, hiện còn 13 trường hợp.
Đã có 33 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh
Tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đều được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong số 46 trường hợp dương tính với COVID-19 thì 33 trường hợp đã được điều trị khỏi và ra viện. Thống kê cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân là nam giới chiếm chủ yếu với 24/33 người (chiếm 72,72%), bệnh nhân nhỏ tuổi nhất (bệnh nhân số 3393) 24 tháng tuổi, cao tuổi nhất (bệnh nhân số 3273) 54 tuổi. Các bệnh nhân chủ yếu là lao động tự do (75,76 %), cán bộ và sinh viên chiếm tỷ lệ không nhiều.
Có 10 ca khi vào viện không có triệu chứng, còn lại 23 ca (69,70%) khi vào đều có biểu hiện ho khan, rát họng, sốt từng cơn hoặc liên tục. Có hai ca mắc COVID-19 mức độ nặng (viêm phổi lan tỏa, SpO2 > 85%). Hai ca này đã được điều trị theo đúng phác đồ mới nhất được các bác sỹ cập nhật kịp thời và liên tục. Ngày điều trị trung bình nhân là 32 ngày, ngắn nhất là 14 ngày, dài nhất là 50 ngày. Trong hai trường hợp nhiễm COVID-19 mức độ nặng kể trên phải kể về trường hợp của bệnh nhân số 3273. Bệnh nhân không có tiền sử bệnh nền, dịch tễ liên quan đến quán cơm Ngọc Bích. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, ho nhiều, ho khan, đau rát họng, sốt liên tục 39-41 độ, ăn uống kém, mệt mỏi nhiều, hai phổi nghe có ran âm nổ hai đáy, X quang phổi có hình ảnh viêm hai đáy phổi có xu hướng lan rộng, Sp02 ngày đầu tiên đạt 94% khi thở khí trời. Khoảng tám tiếng sau, bệnh nhân vẫn ho nhiều, cảm thấy khó thở tăng lên, Sp02 khí trời lúc này chỉ từ 84-85%, vẫn sốt 40 độ, X quang phổi khi chụp lại lần hai viêm phổi lan tỏa hai bên, có dấu hiệu đông đặc bên phổi trái. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được xử trí thở oxy kính mũi 3l/ph, Dexamethasone, dùng thêm kháng sinh, truyền thêm đạm dinh dưỡng... Tình trạng sốt và viêm phổi tiếp tục kéo dài thêm 5 ngày, đã có lúc phải hội chẩn toàn bộ Ban chỉ đạo của Bệnh viện để cân nhắc đến khả năng đặt ống nội khí quản, thở máy. Có đêm 2-3h sáng các nhân viên y tế túc trực bên cạnh bệnh nhân liên tục để xử trí thuốc và đánh giá kịp thời diễn biến bệnh. Ngày thứ bảy, tình trạng sốt giảm dần, tình trạng viêm phổi dần được cải thiện, không phải thở oxy kính. Đến ngày thứ 14 kể từ khi nhập viện thì đã hồi phục ổn định. Tuy nhiên, do tuổi cao nên những xét nghiệm COVID-19 được làm lại cho bệnh nhân vẫn dương tính nhiều lần tiếp theo. Bệnh nhân phải nằm viện đến 50 ngày mới đủ điều kiện xuất viện. Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất trong các trường hợp đã điều trị COVID-19 tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình.
Kết quả ban đầu cho thấy, tỉnh Hòa Bình nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nói riêng đang kiểm soát tốt dịch bệnh và đạt được kết quả ban đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những khó khăn cần tháo gỡ để nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị cũng như thích ứng lâu dài với dịch bệnh. Đáng nói nhất là nguồn nhân lực bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về Truyền nhiễm còn mỏng, Bệnh viện phải luân phiên hai bác sĩ vào khu điều trị F0 để cán bộ có đủ sức khoẻ điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, còn thiếu nhiều trang thiết bị phục vụ công tác điều trị. Đây là những khó khăn lớn nhất trong tình huống số ca bệnh COVID-19 tăng hoặc có diễn biến xấu.
Với 13 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị cũng như tình hình dịch bệnh còn diễn biến kéo dài và phức tạp, thời gian tới, tập thể cán bộ Bệnh viện và khoa Truyền nhiễm đều xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của mình. Tinh thần chung là luôn trách nhiệm và cố gắng vượt mọi hoàn cảnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà tỉnh, ngành và nhân dân giao phó, quyết tâm cùng cả nước vượt qua đại dịch một cách an toàn nhất.
Hà Lê Cường