Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

HÀNH TRÌNH GIÀNH LẠI SỰ SỐNG CHO TRẺ SINH CỰC NON TẠI KHOA NHI BVĐK TỈNH HÒA BÌNH

26/11/2020
Share
 
Mỗi năm, khoa Nhi BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp đón chăm sóc và điều trị trung bình khoảng 220-230 trẻ sinh non (dưới 36 tuần thai và cân nặng dưới 2.500g). Trong đó, có khoảng 20% trẻ sinh cực non (dưới 30 tuần thai và cân nặng dưới 1.000g). Chăm sóc và điều trị trẻ sinh non, cực non là công việc vô cùng khó khăn, vất vả và đầy thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực hết mình, những kết quả trên cả tuyệt vời đã đến và chính điều đó đã mang lại động lực giúp đội ngũ cán bộ y tế khoa Nhi làm tốt hơn nữa công việc của mình - Giành lại sự sống cho những đứa trẻ sinh non, cực non. Bé B.T.K, Kim Lập, Kim Bôi, Hòa Bình là một trường hợp như vậy.
 
Nếu thường xuyên theo dõi thông tin từ BVĐK tỉnh Hòa Bình, hẳn độc giả đã từng được biết đến một số trường hợp sinh cực non hiếm gặp được cứu sống ngoạn mục tại Khoa Nhi. Ví dụ như trường hợp ở Cao Răm, Lương Sơn, bé Đinh Văn C.E. sinh non 800g ở tuần thai thứ 27 được đăng tải tại http://hoabinhhospital.org.vn/. Trường hợp này, sau 3 tháng nỗ lực chăm sóc và nuôi dưỡng tích cực, ngày 5/9/2018, trẻ đã được khoa Nhi (khi đó là khoa Sơ sinh), BVĐK tỉnh Hòa Bình chính thức bàn giao cho gia đình trong tình trạng khỏe mạnh, tỉnh táo. Cân nặng ngày xuất viện của trẻ gấp gần 4 lần so với khi nhập viện.Nói về cuộc chiến giành lại sự sống cho bé, đó là những giờ phút đầy cam go, thử thách không chỉ với gia đình trẻ mà với chính đội ngũ cán bộ y tế khoa Nhi. Cho đến trường hợp bé B.T.K mới nhập viện ngày 15/6/2020 vừa qua, khoa Nhi đã cứu sống thành công bé từ cân nặng 700g lên 2.400g thì có thể khẳng định, chính nhờ sự tận tâm, tận tình, vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả, đội ngũ cán bộ y tế nơi đây đã khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình là một trong những chuyên khoa hàng đầu về lĩnh vực nhi khoa trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.
 
Đây là trường hợp nhẹ cân nhất trong số các trường hợp sinh cực non hiếm gặp tại BVĐK tỉnh. Trẻ chào đời khi mới ở tuần thai thứ 27-28 và nhập viện trong tình trạng toàn thân lạnh, tím tái, thở chậm, bầm tím vùng mặt, nhịp tim chậm, phản xạ sơ sinh kém, thể trạng non yếu.
 
Đối với trường hợp sinh cực non như B.T.K, trẻ luôn được chăm sóc đặc biệt hơn nhóm trẻ sinh non khác vì không thể tự thở, tự ăn hoặc tự giữ ấm. Do đó, trẻ được thở qua máy, nuôi trong lồng ấp giúp duy trì thân nhiệt ổn định, theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, bơm surfactant, điều trị nhiễm trùng và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Đồng thời, được nuôi dưỡng bằng đường  truyền tĩnh mạch.
 
Sau khi đảm bảo tự bú, tự thở, thích nghi được với môi trường, trẻ được áp dụng chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo với sự tuân thủ nghiêm ngặt và phối hợp tích cực của gia đình để có thể phát triển bình thường, tránh tổn hại tới sức khỏe sau này như giảm sút trí tuệ hay chậm phát triển thể lực...
 
Không phụ lòng các cán bộ y tế nơi đây, sau gần 3 tháng được chăm sóc và điều trị, sức khỏe B.T.K ổn định. Trẻ tỉnh, có thể tự thở, môi da hồng, phản xạ sơ sinh khá, bú mút được. Ngày 1/9, B.T.K được ra viện với cân nặng 2400g. Sau khi điều trị ổn định tại khoa Nhi, các bác sĩ chỉ định cho trẻ khám tổng thể và kiểm tra võng mạc tại Bệnh viện Nhi Trung Ương.
 
Theo BS.CKI Đặng Thành Chung, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh Hòa Bình, những yếu tố nguy cơ gây  sinh non như: bà mẹ có tiền căn sinh non; kinh tế xã hội thấp; suy dinh dưỡng bào thai, hút thuốc, uống rượu; đa thai; tử cung dị dạng; viêm cổ tử cung, hở eo tử cung…vv. Một số trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân. Do đó. Sản phụ nên phòng tránh các nguyên nhân này và chọn lựa cơ sở chuyên khoa, uy tín để theo dõi quá trình thai nghén,  đến cơ sở y tế kịp thời khi có dấu hiệu sinh non.

Tin tức liên quan