Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, biến chứng nguy hiểm cần biết cách phòng ngừa

06/04/2022
Share

Hạ đường huyết là một cấp cứu nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là khi bệnh nhân hôn mê do hạ đường huyết.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình là tuyến y tế cao nhất trong hệ thống y tế tỉnh nhà điều trị các bệnh lý về rối loạn chuyển hoá, trong đó có bệnh đái tháo đường. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh đang điều trị ngoại trú hơn 1200 bệnh nhân và nội trú với hơn 40 bệnh nhân đái tháo đường nặng. Mục tiêu điều trị là duy trì chất lượng cuộc sống cao nhất cho bệnh nhân, kéo dài tuổi thọ, phòng ngừa các biến chứng, trong đó có biến chứng hạ đường huyết, đặc biệt là hôn mê do hạ đường huyết. Ngoài phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh nhân thì việc hướng dẫn sự tuân thủ điều trị, chế độ ăn uống, sinh hoạt và tự theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân là hết sức quan trọng.

 

Yếu tố thuận lợi của hạ đường huyết?

- Bệnh nhân không hiểu biết hoặc không được hướng dẫn đầy đủ. Bệnh nhân không tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, tự ý tăng liều thuốc, có chế độ ăn thay đổi liên tục, tập thể dục quá sức.

- Kiểm soát đường máu quá chặt để đạt được chỉ số đường huyết và HbA1C lý tưởng.

- Bệnh nhân đang điều trị bằng tiêm Insulin hoặc nhóm thuốc uống có chứa sulfonylurea.

- Mắc đái tháo đường trong thời gian dài: Do biến chứng thần kinh, thể dịch của bệnh đái tháo đường khiến bệnh nhân giảm, mất các dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết.

- Hạ đường huyết vào ban đêm: Bệnh nhân người già, người bệnh suy gan, thận, suy dinh dưỡng, trẻ em, dùng các loại Insulin không phù hợp làm Insulin nền buổi tối.

- Tiền sử hạ đường huyết nặng dẫn đến làm giảm đáp ứng hormone với hạ đường huyết, làm tăng cơn hạ đường huyết không phát hiện được.

- Đái tháo đường trên bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, suy dinh dưỡng, người cao tuổi.

 

Dấu hiệu của hạ đường huyết?

- Rối loạn thần kinh thực vật: Cảm giác đói, lo lắng, bồn chồn, vã mồ hôi, run tay chân, hồi hộp, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn.

- Rối loạn thần kinh trung ương: Đau đầu, mờ mắt, nhìn đôi, lú lẫn, hành vi bất thường, giảm trí nhớ, co giật, hôn mê.

 

Xử trí hạ đường huyết ở trong cộng đồng?

- Với những tình huống hạ đường huyết đột ngột, bản thân bệnh nhân và người thân của bệnh nhân cần nhanh chóng xác định tình trạng hạ đường huyết và xử trí nhanh bằng cách: Ăn ngay một viên kẹo ngọt, ½ ly nước trái cây, ½ ly nước ngọt, 1 ly sữa, 2 hoặc 3 viên đường, hặc 3 thìa cà phê đường pha với 100ml nước.

- Đối với bệnh nhân trong tình trạng hôn mê tuyệt đối không được mở miệng cho bệnh nhân ăn hoặc uống do nước hoặc thức ăn có thể vào đường hô hấp gây sặc, suy hô hấp và tử vong. Cần liên hệ với y tế cơ sở gần nhất để được sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện.

 

Phòng tránh hạ đường huyết?

- Tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc kê đơn: Tiêm Insulin và uống thuốc hạ đường huyết đúng liều lượng và đúng thời điểm.

- Bữa ăn: Không bỏ bữa, thời điểm tiêm Insulin phải phù hợp với bữa ăn.

- Hoạt động hàng ngày: điều độ, tránh tập thể dục, lao động gắng sức.

- Bệnh nhân và người nhà cần nhận biết các dấu hiệu hạ đường huyết để có thể xử trí sớm.

- Khám bệnh định kỳ tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị phù hợp, có sự tư vấn đầy đủ.

- Thông báo về tình trạng bệnh cho người thân, luôn mang theo kẹo ngọt, đường khi đi ra khỏi nhà, có số điện thoại người thân, bác sĩ điều trị ở nơi dễ nhận biết, hạn chế rượu bia, đặc biệt không được bỏ bữa hoặc ăn ít khi uống rượu bia.

 

BSCKI. Bùi Thị Lan Phương

Phó trưởng khoa Nội Tiết, BVĐK tỉnh Hoà Bình

Tin tức liên quan