Viêm ruột thừa (VRT) ở trẻ em là cấp cứu ngoại khoa thường gặp, ước tính khoảng 4,5 trẻ/100 bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Chẩn đoán muộn và điều trị không kịp thời là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc ruột thừa (VPMRT). Trẻ càng nhỏ thì việc chẩn đoán càng khó khăn và tỷ lệ VPM càng lớn. Điều trị VPMRT là mổ cấp cứu cắt ruột thừa, lau rửa và dẫn lưu ổ bụng kèm kháng sinh sau mổ.
Ở Bệnh viện tỉnh Hoà Bình PTNS điều trị VPMRT đem lại nhiều lợi ích trong việc áp dụng kĩ thuật mới vào công tác điều trị chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các vùng lân cận. Giai đoạn đầu mới triển khai thời gian phẫu thuật còn kéo dài nhưng đến nay việc hoàn thiện các kĩ năng phẫu thuật đã rút ngắn thời gian phẫu thuật, thời gian hậu phẫu, tiết kiệm nhiều chi phí.
Bài viết này là tóm tắt đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả khoa Ngoại tổng hợp, từ 01/01/2020 đến 30/08/2021, gồm 40 bệnh nhân từ 2 đến 15 tuổi, bị VPMRT đã được điều trị bằng phẫu thuật nội soi tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Dàn máy phẫu thuật nội soi Hình ảnh dịch mủ ổ bụng
Bệnh nhân (BN) trong nghiên cứu chủ yếu là trẻ nhỏ, 6-15 tuổi (92,5%). Các biểu hiện lâm sàng nằm trong bệnh cảnh cổ điển của một VRT có biến chứng: sốt, nôn, ỉa chảy dễ nhầm với các ỉa chảy do viêm ruột. Trong nghiên cứu phổ biến sốt nhẹ và vừa (77,5%), sốt cao chỉ chiếm 5%, đau bụng 100% chủ yếu đau HCP và một nửa bụng phải và đau khắp bụng. Nôn, buồn nôn (65,7%). Bên cạnh đó có 18,2% ỉa lỏng; bụng chướng 90%, gặp nhiều nhất là phản ứng thành bụng HCP và một nửa bụng phải (100%), cảm ứng phúc mạc (97,5%), co cứng thành bụng (5%) .
Số BN được siêu âm trước phẫu thuật là 100%, quan sát, đo được kích thước ruột thừa (62,5%), dịch trong ổ bụng (87,5%).
PTNS ưu điểm là một phẫu thuật ít xâm lấn, vết mổ thành bụng nhỏ, ít đau sau phẫu thuật, hồi phục nhanh hơn, thẩm mỹ tốt hơn và ít biến chứng sau phẫu thuật. Do đó, PTNS cắt ruột thừa viêm đã trở thành phẫu thuật thường quy cho cả trẻ em và người lớn. Đối với PTNS viêm ruột thừa đã có biến chứng thủng, viêm phúc mạc đang còn nhiều ý kiến bàn cãi, chưa thống nhất đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu của các tác giả ngoài nước gần đây chỉ ra rằng phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa có biến chứng ở trẻ em là an toàn và có hiệu quả. Thể tích ổ bụng trẻ em hẹp kèm tình trạng các quai ruột dãn là những khó khăn của phẫu thuật. PTNS không những nhìn được toàn cảnh do có độ phóng đại lớn mà còn nhìn được những góc khuất trong ổ bụng do đó việc rửa ổ bụng là tốt hơn so với mổ mở, nên được áp dụng rộng rãi kỹ thuật này.
Trong các trường hợp khó, PTNS như là một phương pháp nội soi chẩn đoán, đánh giá tình trạng ổ bụng để khi chuyển sang mổ mở có hướng xử trí tốt hơn, khắc phục được tình trạng lẽ ra bệnh nhân có thể xử trí bằng PTNS thì lại quyết định mổ mở ngay từ đầu.
Thời gian bị bệnh trước phẫu thuật là khoản thời gian bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu quả bệnh như đau bụng, sốt nhẹ cho đến khi được phẫu thuật. Trong nghiên cứu là 51,1 giờ.
Thời gian từ khi vào viện đến khi được phẫu thuật. Đây là khoảng thời gian tính từ khi BN đến bệnh viện, được khám, xét nghiệm, chẩn đoán xác định đến khi phẫu thuật, trong nghiên cứu là 6,5 giờ.
Thời gian trung bình bị bệnh trước phẫu thuật gấp 7,8 lần thời gian nằm viện trước phẫu thuật. Chứng tỏ BN đến viện quá muộn dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc.
Ổ bụng bẩn ảnh hưởng rất lớn đến thời gian và kết quả điều trị, là nguyên nhân chủ yếu chuyển PTNS sang phẫu thuật mở. Khi BN bị viêm ruột thừa không được chẩn đoán và điều trị sớm dẫn đến tình trạng ruột thừa hoại tử và thủng gây VPMTT hay VPMKT, khiến ổ bụng rất bẩn, các quai ruột bị phản ứng viêm và dính với nhau. Cắt ruột thừa cũng như rửa sạch ổ bụng trở nên khó khăn hơn nhiều so với trường hợp ruột thừa chỉ viêm đơn thuần.
Có 92,5% đặt dẫn lưu, đa số BN đến viện muộn, ổ bụng bẩn, nhiều giả mạc, ruột chướng hơi khó khăn trong việc lau rửa ổ bụng. Thời gian nằm viện sau phẫu thuật được tính từ ngày bệnh nhân được PTNS cho đến ngày BN ra viện, trung bình là 6,5 ngày
Phẫu thuật nội soi trong điều trị VPMRT ở trẻ em là một trong những phẫu thuật an toàn, khả thi và hiệu quả với nhiều ưu điểm so với mổ mở như ít đau sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện và thẩm mỹ. PTNS điều trị VPMRT ở trẻ em có thể triển khai tại tuyến huyện khi các điều kiện về trang thiêt bị, gây mê hồi sức cũng như kỹ năng của đội ngũ phẫu thuật viên được nâng cao.
Khoa Ngoại tổng hợp