Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH QUA DA TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH HOÀ BÌNH NĂM 2020-2021

10/01/2022
Share

Bệnh mạch vành (BMV) hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong 56,4 triệu người chết/năm thì nguyên nhân do BMV là cao nhất với 8,76 triệu người chiếm 15,5%.

 

Hiện nay có rất nhiều các biện pháp đánh giá và xử trí BMV từ những biện pháp đơn giản như khám lâm sàng, điện tâm đồ, siêu âm tim đến các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp động mạch vành qua da (ĐMV), xạ hình tưới máu cơ tim...Tuy vậy chụp và can thiệp ĐMV qua da vẫn là phương pháp tốt nhất để đánh giá và xử trí tổn thương BMV, cụ thể là tái thông động mạch vành bị tắc hẹp,

 

Tại BVĐK tỉnh Hoà Bình hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) được trang bị và hoạt động từ tháng 07/2020 với rất nhiều kỹ thuật mới được triển khai. Trong đó kỹ thuật chụp và can thiệp ĐMV được coi là kỹ thuật cơ bản, mũi nhọn

 

Bài viết tóm tắt nghiên cứu trên 36 BN được can thiệp nong và đặt Stent ĐMV qua da tại khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh Hòa Bình, từ tháng 07/2020 đến tháng 09/2021.

 

Hình ảnh can thiệp thiệp BN nhồi máu cơ tim cấp tắc hoàn toàn đoạn ĐMV bên phải có rối loạn nhịp chậm nguy hiểm.

 

Kết quả nghiên cứu: Tuổi trung bình 70,18 ± 10,78 tuổi, tuổi thấp nhất là 52, cao nhất là 89. Tuổi mắc bệnh mạch vành ngày càng trẻ hóa do tình trạng cuộc sống căng thẳng, ít vận động thể lực, lối sống tĩnh tại, hút nhiều thuốc lá, ăn nhiều chất béo nên song song với các bệnh chuyển hóa thì bệnhTim mạch ngày càng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Nam chiếm 67,7%, nữ là 32,3%. Các yếu tố nguy cơ : tăng huyết áp (78,6%), hút thuốc lá (48,8%), rối loạn lipid máu (40%), đái tháo đường type 2 (26,5%). Tuyên truyền bỏ thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn giảm chất béo, tăng hoạt động thể lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giảm tỷ lệ mắc bệnh mạch vành ở cộng đồng.

      

BN nhập viện với cơn đau ngực điển hình (94.44%), Loại đau ngực không ổn định chiếm tỷ lệ cao nhất (55,55%), đau ngực ổn định (33,33%) và nhồi máu cơ tim (10,08%). Điện tâm đồ chủ yếu là nhịp xoang (75%), có 1 block nhĩ thất cấp 1 và 1 rung thất. Trong nghiên cứu có 3 BN có ngoại tâm thu thất dày, sau chụp ĐMV đều có tổn thương nhánh động mạch vành phải và sau can thiệp cả 2 BN đều giảm hẳn ngoại tâm thu thất, do ĐMV phải có một nhánh nuôi nút xoang. 04 bệnh nhân nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (11,11%), 17 BN hình ảnh điện tâm đồ bình thường nhưng có cơn đau ngực điển hình và có nhiều yếu tố nguy cơ. Chính vì sự thiếu chính xác đó nên điện tâm đồ lúc nghỉ ngơi hiện nay chỉ được khuyến cáo để tầm soát mang tính chất cộng đồng đối với những BN ít có nguy cơ hoặc ít nghĩ đến đau ngực cho nguyên nhân bệnh mạch vành. Còn để chẩn đoán thiếu máu cơ tim do bệnh lý mạch vành mạn tính ở những bệnh nhân đau ngực theo hướng dẫn của Hội tim mạch Hoa Kỳ thì điện tâm đồ gắng sức được khuyến cáo mức độ Ia và Ib đối với bệnh nhân có mức độ nguy cơ thấp vừa và cao. Tuy nhiên, với những BN có nguy cơ cao khi làm gắng sức khuyến cáo cũng chỉ ra rằng không nên làm với mức khuyến cáo Ib. Vì vậy, với những BN đau ngực mà điện tâm đồ bình thường, nếu không có chống chỉ định với làm điện tâm đồ gắng sức, có nguy cơ bệnh mạch vành mức độ vừa và cao, đều tiến hành làm sàng lọc trước khi cho chụp ĐMV kiểm tra. Nếu kết quả điện tâm đồ gắng sức biểu hiện thiếu máu được chỉ định chụp ĐMV kiểm tra xét can thiệp. Nếu kết quả điện tâm đồ gắng sức âm tính, cơn đau không điển hình, ít yếu tố nguy cơ thì tìm nguyên nhân đau ngực khác như đau thần kinh liên sườn, viêm sụn ức sườn, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.

 

Số BN có rối loạn vận động vùng trên siêu âm tim chiếm 25%, hẹp van động mạch chủ chiếm 5,4%, hở van hai lá vừa và có 2 bệnh nhân chiếm 5,5%. Những BN này cũng có triệu chứng đau ngực khi gắng sức và khi phân số tống máu còn tốt BN không có triệu chứng khó thở chính vì vậy rất dễ nhầm với nhóm BN thiếu máu cục bộ.

         

Hình thái tổn thương 69,44% là do xơ vữa, tắc hoàn toàn 11,11%, cầu cơ và xơ vữa ĐMV 13,8%, tái hẹp trong Stent 5,5%. Vị trí can thiệp: Động mạch vành bên phải 50%, động mạch liên thất trước 38,8%, động mạch mũ 11,11%. Số lượng Stent đặt: 01 Stent chiếm 80,55%, 02 Stent 16,66%, 03 Stent 2,7%. 100% thành công về mặt hình ảnh và thủ thuật. Biến chứng trong quá trình chụp và can thiệp ĐMV gặp 1 BN rung thất, 1 BN sốc phản vệ  do thuốc cản quang, 2 BN suy thận do dùng thuốc cản quang, 4 BN có tụ máu tại chỗ sau rút sheat, chưa gặp nhiều biến chứng vì phần lớn là can thiệp mạch vành có chuẩn bị và được sàng lọc kỹ, chưa can thiệp thường quy BN nhồi máu cơ tim cấp nên tỷ lệ biến chứng chưa phản ánh được tỷ lệ chung biến chứng của can thiệp tim mạch như các đơn vị can thiệp mạch vành trong cả nước và quốc tế.

                                                                                                                                                               

                                                                                   (Bs CK2 Trần Hoàng Dương- TK Nội tim mạch và cộng sự)