Thay đổi chế độ ăn uống là một cách đã được chứng minh là có thể giúp thay đổi huyết áp cao. Ngày Tết với những mâm cỗ thịnh soạn để gia đình quây quần, sum họp và để tiếp bạn bè với những món của người Việt như: bánh chưng, thịt mỡ, hành muối, dưa muối, giò, chả, lạp xườn… để cùng cầu mong cho 1 năm mới được may mắn, thuận hòa. Tuy nhiên, việc ăn uống nạp quá nhiều dinh dưỡng trong thời gian ngắn là không tốt cho cơ thể đối với người mắc bệnh tăng huyết áp.
* Tại sao chế độ ăn ngày Tết dễ làm tăng huyết áp?
Ngày Tết, mâm cỗ truyền thống với nhiều món ăn hấp dẫn thường chứa nhiều muối, chất béo, đường và các chất kích thích khác. Điều này, kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt, dễ dàng làm tăng huyết áp ở những người mắc bệnh này.
Các yếu tố làm tăng huyết áp trong dịp Tết:
- Thực phẩm giàu muối: Các món như giò lụa, chả lụa, giăm bông, dưa muối, hành muối, lạp sườn... thường chứa hàm lượng muối cao. Muối làm tăng lượng nước trong cơ thể, gây tăng huyết áp.
- Thực phẩm giàu chất béo: Các món chiên xào, thịt mỡ, đồ chiên rán... chứa nhiều chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol trong máu, gây xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
- Thực phẩm giàu đường: Bánh kẹo, mứt Tết chứa nhiều đường, làm tăng lượng đường trong máu, gây rối loạn chuyển hóa lipid và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Rượu bia: Rượu bia làm tăng huyết áp tạm thời và lâu dài, gây tổn thương tim mạch.
- Stress và mất ngủ: Áp lực trong những ngày Tết, việc thức khuya, ngủ ít cũng góp phần làm tăng huyết áp.
- Quên mang theo thuốc hoặc quên uống thuốc trong những ngày về quê hoặc đi du xuân.
* Ảnh hưởng của tăng huyết áp trong dịp Tết như thế nào?
- Tăng nguy cơ đột quỵ não: Huyết áp tăng cao đột ngột có thể làm vỡ mạch máu não, gây đột quỵ.
- Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim: Huyết áp cao làm tăng gánh nặng cho tim, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
- Làm nặng thêm các bệnh lý khác: Tăng huyết áp có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý khác như suy tim, suy thận.
* Chế độ ăn trong ngày Tết của bệnh nhân tăng huyết áp nên lựa chọn thế nào?
Cố gắng lựa chọn các thực phẩm giàu giàu kali, magiê và canxi để giúp hạ huyết áp:
Chọn thực phẩm hợp lý:
- Tăng cường ăn đa dạng các loại rau xanh đặc biệt là rau có lá như rau cải, rau dền, rau ngót, rau mùng tơi…Hạn chế các loại rau muối mặn như cà muối, dưa muối, hành muối, cần lưu ý 4-5 quả cà muối hoặc hành muối là đã cung cấp cấp đủ nhu cầu muối của cơ thể chúng ta cả ngày.
- Tăng cường ăn trái cây tươi như: Đu đủ, chuối, cam, bưởi, dưa hấu… ngũ cốc nguyên hạt, đây là nhóm cung cấp nhiều kali và magiê cho cơ thể.
- Nên ăn thịt gia cầm và cá không da. Hạn chế các loại thịt hun khói, thịt chế biến sẵn như: giò, chả, xúc xích, lạp sườn, giăm bông…vì những thực phẩm này chứa nhiều muối.
- Nên ăn các loại hạt giàu magiê như: hướng dương, hạt bí, hạt hạnh nhân, hạt điều… chú ý không ăn những hạt này ở dạng rang muối, bị mốc hoặc hết hạn sử dụng.
- Nên dùng các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, dầu vừng…trong qua trình chế biến món ăn để cung cấp các Lipid có lợi cho người tăng huyết áp. Hạn chế những thực phẩm giàu cholessteron như: óc động vật, phủ tạng động vật.
- Nên ăn đa dạng các loại ngũ cốc, ăn vừa phải lượng bánh chưng, bánh tét. Cần lưu ý một miếng bánh chưng nhỏ (1/8 cái bánh chưng) cung cấp khoảng 250kcal, bằng một Bát cơm đầy. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 - 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể.
- Hạn chế đồ ăn xào rán nhiều dầu mỡ, hạn chế đồ ngọt từ kẹo, bánh, mứt, các loại nước ngọt công nghiệp có ga.
- Chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn để hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể. Theo khuyến cáo lượng muối trong ngày của bệnh nhân tăng huyết áp là < 5g muối (2000 mg natri) mỗi ngày để giảm nguy cơ huyết áp cao và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Lượng muối này tương đương với: 5g muối= 1 thìa(5ml) gạt ngang muối= 1,5 thìa (5ml) gạt ngang bột canh= 5 thìa(5ml) nước mắm= 3,5 thìa(5ml) xì dầu, cần lưu ý 4-5 củ hành muối hoặc 1 gói mỳ tôm đã đủ nhu cầu muối cả ngày cho cơ thể. Vì vậy, trong những ngày Tết cũng nên duy trì ăn giảm muối, Điều đáng chú ý nhất trong chế độ ăn của người bệnh nhân tăng huyết áp là chế độ ăn giảm muối.
- Điều độ khi ăn uống: Ăn chậm, nhai kỹ.
- Hạn chế rượu bia: Trong 100ml rượu sẽ cung cấp 7 Kcal . Nếu uống quá nhiều, cứ nâng cốc là phải cạn chén thì nguy cơ đến sức khỏe không hề nhỏ, ngoài nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, huyết áp. Giới hạn dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam và 1 đơn vị cồn/ngày với nữ. 1 đơn vị cồn tương đương 1 cốc bia hơi 330ml, 1 ly rượu vang 100 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml.
- Bổ sung duy trì sữa ít béo hoặc sữa chua để cung cấp canxi có lợi cho người bệnh tăng huyết áp.
Tuân thủ chế độ thuốc huyết áp đều đặn theo đơn của Bác sĩ.
Duy trì tập thể dục đều đặn mỗi ngày trên 30 phút
Duy trì giấc ngủ đều đặn 8h/ ngày, không nên ngủ nướng hoặc thức quá khuya trong những ngày nghỉ lễ dài.
Tóm lại, người bệnh tăng huyết áp trong những ngày Tết không nên quên sinh hoạt điều độ, nhớ uống thuốc đầy đủ, đúng liều. Ăn uống lành mạnh, tuân thủ theo chế độ ăn bệnh tăng huyết áp và chú ý chế độ ăn giảm muối.
BS.CKI. Lê Thị Thành – Trưởng khoa Dinh dưỡng BVT Hòa Bình