Hôm nay, ngày 11/9, sau thời gian chiến đấu giành lại được mạng sống từ lưỡi hái tử thần, chị X, 28 tuổi, Hòa Bình đã được về BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều trị với những tiến triển tốt. Không ai nghĩ rằng, chỉ cách đây một tuần, một cơn sốc phản vệ khiến tim chị xuất hiện những rối loạn phức tạp và ngừng đập trong 60 phút, tưởng chừng chị đã không thể qua được giây phút thập tử nhất sinh ấy.
TS.BS. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình nhớ lại: Ngày 03/9/2020, là một ngày làm việc vô cùng căng thẳng tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Hai bệnh nhân dọa sẩy thai, được chỉ định dùng thuốc điều trị phổ biến trong bệnh này nhưng đã xuất hiện các triệu chứng phản vệ nặng và nguy kịch. Cả hai đều được phát hiện và cấp cứu kịp thời theo đúng phác đồ điều trị sốc phản vệ của BYT. Một bệnh nhân cải thiện tốt, hết triệu chứng trong vòng 2h. Còn trường hợp của chị X, không đáp ứng với các biện pháp điều trị, có các rối loạn nhịp tim phức tạp và tim ngừng đập.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được ép tim liên tục trong 30 phút, sốc điện nhiều lần và các biện pháp cấp cứu tích cực khác tim mới đập trở lại. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa tạng, huyết áp rất thấp, phải phụ thuộc vào thuốc trợ tim liều cao và tiên lượng tử vong rất cao.
Trong tình huống của chị X, nếu không có biện pháp hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) thì khả năng sống được là vô cùng mong manh.
TS. Hoàng Công Tình đã xin ý kiến lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình để thực hiện khám bệnh và hội chẩn từ xa (Telehealh) với lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, và Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai. Ngay lập tức, PGS Đào Xuân Cơ, phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định cử một kíp cấp cứu gồm 5 người (3 bác sĩ Hồi sức cấp cứu + 1 bác sĩ phẫu thuật lồng ngực và 1 điều dưỡng Hồi sức cấp cứu) lên đường cùng với hệ thống thiết bị ECMO hiện đại. Kíp cấp cứu này là một bộ phận quan trọng của các đội phản ứng nhanh đã được bệnh viện thành lập để đáp ứng trong tất cả các trường hợp cấp cứu nặng như dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, Covid -19 ở Đà Nẵng.
Sau hơn 1h, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại BVĐK Hòa Bình. Sau khi thăm khám thấy tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch: hôn mê sâu, đồng tử giãn to, oxy máu thấp, rối loạn chuyện hóa nặng,tuy nhiên, do tin tưởng vào kỹ năng cấp cứu ban đầu của bệnh viện Hòa Bình và ECMO cũng là cơ hội cuối cùng trong trường hợp này nên các các chuyên gia của BV Bạch Mai đã quyết tâm thực hiện kỹ thuật ECMO cho chị X. Sau khi ECMO, chị X được tiếp tục hồi sức tích cực, theo dõi tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Sau hơn 4 giờ tại đây, các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đáp ứng điều trị và đủ điều kiện an toàn để vận chuyển về Bệnh viện Bạch Mai.
Hồi sức những bệnh nhân nặng này tại các khoa Hồi sức tích cực đã khó, và sẽ khó hơn rất nhiều khi phải vừa hồi sức vừa vận chuyển trên xe cứu thương trong gần 2h vận chuyển. Đây là khoảng thời gian đầy căng thẳng và thử thách với kíp chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 3 ngày chăm sóc, theo dõi, điều trị tích cực, ngày 6/9, tình trạng bệnh nhân X cải thiện dần, bệnh nhân X được tiến hành cai ECMO, rút ống nội khí quản và tập đi lại dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Ngày 11/9, chị X được gia đình và các bác sĩ của BVĐK Hòa Bình đón về tiếp tục điều trị tại tuyến dưới trong niềm vui mừng của gia đình và các thầy thuốc. Phát biểu ngày ra viện, bệnh nhân X xúc động nói lời cảm ơn đến tập thể các bác sĩ và nhân viên y tế đã đưa chị lại cuộc sống hiện tại. Chị X không nghĩ mình có thể trở lại cuộc sống của nhân gian này để gặp lại những người thân yêu.
Đánh giá về kỳ tích này, BS. Nguyễn Bá Cường - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai người trực tiếp cùng kíp bác sĩ Bạch Mai mang trang thiết bị ECMO lên Hòa Bình chia sẻ: Đầu tiên, phải nói đến công tác hồi sức cấp cứu ban đầu của các bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình rất đúng và kịp thời nên dù ngừng tim gần 60 phút, phải ép tim liên tục và sốc điện 2 lần nhưng não người bệnh không bị ảnh hưởng. Kế đó là khả năng nhận định thực tiễn, phán đoán nguy cơ, tiên lượng vấn đề và gọi trợ giúp đúng lúc, đúng chỗ của TS.BS Hoàng Công Tình. Khi nhận được chỉ đạo của PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng phản ứng nhanh chúng tôi đã lập tức chuẩn bị đủ mọi phương tiện và lập tức lên đường chỉ sau 30 phút. ECMO ngoại viện là một kỹ thuật khó, đòi hỏi trang thiết bị cũng như người vận hành hệ thống đó an toàn, hiệu quả trên đường vận chuyển. Với kinh nghiệm của mình, tính đến nay, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành gần 10 ca ECMO ngoại viện an toàn, hiệu quả và đem lại sự sống cho người bệnh thập tử nhất sinh từ khắp các tỉnh phía Bắc.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu - chống độc Việt Nam, cho biết: Phản vệ là một tình huống cấp cứu lâm sàng thường gặp trong các cơ sở y tế, diễn biến nhanh, trong thời gian ngắn, đặc biệt đối với các nguyên nhân đưa qua đường tiêm truyền, với nhiều biểu hiện lâm sàng phong phú ở nhiều cơ quan khác nhau như ban đỏ, sẩn ngứa, đau bụng, nôn mửa ...hoặc khó thở đột ngột do co thắt thanh môn hoặc phế quản mạnh mẽ gây thiếu oxy cấp hoặc trụy mạch (do giãn mạch) trong thời gian rất ngắn, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, với Phác đồ cấp cứu phản vệ do Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai xây dựng thì 100% bệnh nhân bị sốc phản vệ trong Bệnh viện Bạch Mai đều được cứu sống và không có bệnh nhân nào tử vong (Báo cáo Đánh giá hiệu quả của phác đồ cấp cứu phản vệ do Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch mai xây dựng áp dụng qua 161ca lâm sàng). Do đó, phối hợp tốt với BV Bạch Mai, phát huy hiệu quả của khám chữa bệnh từ xa là một biện pháp thông minh, hiệu quả và kịp thời thời đối với bệnh nhân nặng, nguy kịch.