Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

CAN THIỆP TIM MẠCH CỨU SỐNG NGƯỜI BỆNH 69 TUỔI BỊ NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP

30/11/2020
Share
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim. Đây là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời nguy cơ tử vong cao, hoặc người bệnh có sống sót thì vùng cơ tim thiếu máu sẽ bị hoại tử, khó hồi phục. 
Khoảng 15h30 p ngày 28/10, người bệnh B.T.K, 69 tuổi, Mó Rút, Sơn Thủy, Mai Châu xuất hiện đau tức nhiều vùng ngực trái, đau từng cơn, đau lan lên cổ lan lên vai bên trái và tay trái, khó thở, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt. 
Điện tim cho thấy, sóng ST chênh lên ở chuyển đạo DII DIII aVF, rối loạn nhịp tim nguy hiểm (block nhĩ thất cấp III). Siêu âm tim cho thấy giảm vận động vùng, men tim tăng rất cao. Người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên -Block nhĩ thất cấp III.
Bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu nội khoa sau đó được tiến hành chụp động mạch vành cho kết quả tắc hoàn toàn đoạn II động mạch vành bên phải. Bệnh nhân được  đặt máy tạo nhịp tim tạm thời xử trí tình trạnh rối loạn nhịp tim nguy hiểm, và được tiến hành các kỹ thuật cao nhằm tái thông động mạch vành như hút huyết khối động mạch vành, nong và đặt stent động mạch vành.
Kết quả: Sau can thiệp, động mạch vành bên phải người bệnh được tái thông hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh táo, không đau ngực, không khó thở. Sau can thiệp tim mạch 03 ngày, nhịp tim phục hồi hoàn toàn, nhịp xoang đều tần số 80 nhịp/phút (điện tim không còn hình ảnh block nhĩ thất cấp III). Bệnh nhân ổn định và xuất viện sau 06 ngày điều trị tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm nhưng không có nhiều người nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh. Đa phần đều chủ quan và bỏ qua chúng cho đến khi các triệu chứng trầm trọng hơn như đột ngột bị hôn mê, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay đột tử. Vì vậy, song song với việc theo dõi triệu chứng bất thường của cơ thể, người bệnh cần có kế hoạch khám bệnh định kỳ hàng tháng để có các biện pháp chủ động đối phó.
Nhồi máu cơ tim cần được điều trị sớm. Do đó, hầu hết các trường hợp đều được điều trị cấp cứu đồng thời tiến hành can thiệp động mạch vành nhằm để làm thông động mạch, giúp cung cấp máu cho tim. 
Những trường hợp người bệnh còn sống sót nhưng không được can thiệp thì một phần cơ tim sẽ bị chết và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng co bóp của cơ tim. Khi bệnh nhân nhồi máu cơ tim được đưa tới bệnh viện người bệnh được chỉ định can thiệp nong và đặt stent động mạch vành, lúc này cơ tim được tái tưới máu và tế bào cơ tim được bảo tồn. 
Sau cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh được sử dụng nhiều loại thuốc hỗ trợ và ngăn ngừa cơn nhồi máu tái phát. Người bệnh cần theo dõi kiểm tra sức khỏe thường xuyên và uống đủ thuốc theo đơn bác sỹ để duy trì tình trạng bệnh tối ưu và phòng ngừa suy tim sau nhồi máu cơ tim.

Tin tức liên quan