Có rất nhiều phụ nữ sau sinh nở bị tắc tia sữa nhưng không có cách xử lý đúng dẫn đến viêm vú, áp xe vú…Tất cả những vấn đề này thường do ống dẫn sữa không lưu thông. Nếu gặp phải những trường hợp như vậy, các bà mẹ có thể sẽ bị căng sữa quá mà sốt hoặc dẫn đến viêm, đáng ngại nhất là cháu bé sẽ không có nguồn sữa để bú.
BSCKI. Nguyễn Hải Anh châm cứu cho bệnh nhân tắc tia sữa
Biểu hiện của tắc tia sữa sau sinh
Ống dẫn sữa bị tắc một phần hay hoàn toàn sẽ làm cho dòng sữa không thể chảy ra ngoài và bé không thể bú được. Lúc đó, một vài nơi trên bầu ngực hoặc cả bầu ngực sẽ sưng lên, sờ vào thấy cứng và nếu kéo dài trong vài tiếng có thể gây sốt cao. Trước khi sốt, vùng da ở khu vực này có dấu hiệu sưng đỏ rất khó chịu. Núm vú và quầng vú có thể bị phình mạch máu và xuất hiện các đốm trắng trên núm vú.
Lý do gì lại khiến các bà mẹ bị tắc tia sữa?
- Sữa mẹ không được kích thích, có thể là do bé không bú thường xuyên hoặc không cho bé bú đủ thời lượng.
- Sữa mẹ ít dinh dưỡng do ăn uống kiêng khem quá khắc nghiệt theo quan niệm cũ.
- Mẹ có quá nhiều sữa và sữa không được hút hết ra ngoài để chuẩn bị cho đợt sản xuất tiếp theo.
- Mẹ mang áo ngực quá chặt cũng khiến cho dòng chảy sữa không chảy đều.
- Mẹ mang áo ngực quá rộng làm cho bầu ngực chảy xệ và gây áp lực lên tuyến sữa.
- Mẹ ăn quá nhiều chất béo, dầu mỡ hoặc thức ăn có quá nhiều gia vị.
- Mẹ có triệu chứng căng thẳng, stress sẽ ảnh hưởng đến việc sản sinh ra hormone và làm dòng sữa chảy chậm.
Tuy nhiên, các mẹ cũng đừng quá lo lắng khi bị tắc sữa vì càng lo sẽ càng khiến tia sữa bị tắc và không thể giải quyết được tình hình.
Tắc tia sữa trong Y học cổ truyền gọi là chứng nhũ ung (chứng bệnh sinh ra ở vú). Các mẹ có thể tham khảo các phương pháp dưới đây.
Bước 1: Mát-xa vòng tròn quanh bầu vú. Đây là một kỹ thuật mà các bà mẹ cho con bú có thể tự làm cho mình vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu mà không cần tốn quá nhiều công sức.
CNĐD Đinh Thị Nga mát xa bầu vú cho bệnh nhân tắc tia sữa
Bước 2: Một tay đỡ bầu vú ở phía dưới, một tay mát-xa bầu vú theo chiều từ trên xuống thật nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương các tuyến sữa.
Bên cạnh đó có thể dùng theo phương pháp dân gian lấy lá diếp cá và lá đinh lăng, bồ công anh giã nhỏ đắp lên ngực cũng giúp lưu thông tia sữa hoặc có thể lấy mỗi thứ 50gram đun uống nước hàng ngày.
Ngoài những phương pháp trên Khoa Y dược học cổ truyền hàng năm vẫn luôn kết hợp với khoa Phụ Sản để điều trị cho bệnh nhân cương sữa- tắc sữa sau sinh bằng phương pháp châm cứu đem lại hiệu quả cao.
Rất hiếm trường hợp tử vong do bị tắc tia sữa nặng, nhưng không có nghĩa là không thể xảy ra. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ mà tắc tia sữa nặng còn khiến trẻ không được bú mẹ hoặc phải cai sữa khi còn rất nhỏ. Vì vậy hãy đi chữa tắc tia sữa càng sớm càng tốt.
BSCKII. Trần Thị Vân - Trưởng khoa Phụ Sản
BSCKI.Nguyễn Hải Anh - Phó Trưởng khoa Y dược học cổ truyền