Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất hiện nay, đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, đái tháo đường còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát và phát hiện kịp thời.
Hình ảnh BSCKII Bùi Thị Lan Phương khám, tư vấn cho người bệnh
Không chỉ làm rối loạn chuyển hóa đường trong máu, đái tháo đường còn âm thầm gây ra hàng loạt biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tim mạch, mắt, thận, thần kinh và cả chi dưới. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với những hậu quả nặng nề như mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cắt cụt chi.
Các biến chứng thường gặp gồm:
Biến chứng thần kinh: Gây tê bì, đau rát, mất cảm giác – dễ dẫn đến loét chân và nhiễm trùng.
Biến chứng võng mạc: Là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa nếu không điều trị.
Biến chứng thận: Gây phù, suy thận và phải chạy thận nhân tạo
Biến chứng tim mạch: Tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
Biến chứng bàn chân: Vết thương khó lành, nhiễm trùng, hoại tử – có thể dẫn đến cắt cụt chi.
Hình ảnh biến chứng bàn chân do bệnh Đái tháo đường
Theo BS.CKII Bùi Thị Lan Phương – Phụ trách khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình:
“Các biến chứng mạn tính đã có thể xảy ra ngay từ khi được chẩn đoán ĐTĐ type 2 do thể này được chẩn đoán muộn vì có giai đoạn không có triệu chứng hoặc triệu chứng mờ nhạt. Biến chứng mạch máu nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 thường xuất hiện từ 1 đến 5 năm do thể này triệu chứng rầm rộ được phát hiện và điều trị sớm. Biến chứng mạn tính của bệnh nhân đái đường diễn ra thầm lặng, tiến triển, không hồi phục nên được phát hiện và điều trị sớm để có hiệu quả cao nhất nâng chất lượng cuộc sống người bệnh, giảm chi phí điều trị, giảm thiểu tử vong.”
Chuyên gia Nội tiết khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên:
- Tái khám định kỳ mỗi 3–6 tháng để đánh giá toàn diện về mắt, thận, thần kinh, tim mạch.
- Xét nghiệm định kỳ: Đường huyết, HbA1C, nước tiểu vi đạm, chức năng thận, mỡ máu, điện tim…
- Theo dõi sức khỏe tại nhà: Lưu ý các dấu hiệu như mệt mỏi bất thường, đau tức ngực, thị lực giảm, tê buốt chân tay, vết thương lâu lành.
- Tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hoặc dùng thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc.
- Ăn uống khoa học – tập luyện đều đặn: Ăn ít đường, hạn chế tinh bột, tăng cường rau xanh, vận động 30 phút mỗi ngày.
Để hạn chế biến chứng của bệnh đái tháo đường, tất cả các bệnh nhân đái tháo đường cần phải khám chuyên khoa nội tiết định kỳ để tầm soát các biến chứng sớm và tư vấn hướng điều trị theo dõi tiếp.
Phòng CTXH