Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến hết tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 354 trường hợp mắc bệnh sốt rét tại 29 tỉnh, thành phố, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, một số tỉnh thành phố đã đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận các trường hợp sốt rét ngoại lai. Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng ngừa sốt rét, ngành Y tế tỉnh đề nghị người dân tăng cương các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo.
Biểu hiện của bệnh sốt rét
Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ (thai nghén, suy dinh dưỡng…). Thời kỳ ủ bệnh trong bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9 đến 30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.
Biểu hiện lâm sàng kinh điển của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: Rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ, và ngoài cơn sốt bệnh nhân không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra có thể có các triệu chứng đi kèm khác như: Nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Đối với những người bị sốt rét lần đầu, kiểu sốt cơn điển hình như thế thì không thường gặp, trong khi những triệu chứng đi kèm khác lại thường xuất hiện, làm chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm siêu vi… Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt. Sốt rét có thể làm cho lách to, phù nề do suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị đẻ non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ em mắc sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Người mắc sốt rét không được điều trị sẽ chuyển thành sốt rét ác tính và chết. Nếu mắc bệnh sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ là nguồn bệnh để lây sang người khác làm cho nhiều người mắc bệnh, gây nên dịch sốt rét.
Biện pháp phòng bệnh
Hiện nay, bệnh sốt rét chưa có vắc xin phòng ngừa. Việc chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Có nhiều phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét. Người ta có thể diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh. Vì đa số muỗi sốt rét vào nhà đốt rồi nghỉ lại trong nhà nên các chương trình phòng chống sốt rét ở một số nước nhiệt đới coi trọng việc phun hóa chất có tác dụng diệt côn trùng kéo dài vào tường vách.
Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần lưu ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi và người như mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng… Bên cạnh đó, có thể đóng lưới ở tất cả các cửa sổ cũng như cửa ra vào và sử dụng quạt máy để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Và điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là “Ngủ màn thường xuyên, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi”.
Nguyễn Tuyết