Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Bệnh nhân đái tháo thường ngày Tết ăn như thế nào

23/01/2025
Share

Tết Nguyên Đán là dịp sum họp gia đình và thưởng thức nhiều món ngon, nhưng với người bệnh đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết vẫn là ưu tiên hàng đầu. Dưới đây là một số gợi ý giúp bệnh nhân đái tháo đường có một cái Tết an toàn và vẫn thưởng thức được các món ăn truyền thống:

 

 

Nguyên tắc chung:

 

- Ăn chậm, nhai kỹ: Điều này giúp cơ thể có thời gian tiết ra insulin và hấp thu đường từ từ, tránh tăng đường huyết đột ngột.

- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa chính lớn, hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để duy trì lượng đường huyết ổn định.

- Uống đủ nước: Nước giúp cơ thể đào thải đường dư thừa và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.

- Tập thể dục đều đặn: Ngay cả trong dịp Tết, hãy dành thời gian cho các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, tập thể dục tại nhà… khoảng 30-60 phút/ ngày, thực hiện đều đặn 5 ngày/ tuần.

- Tuân thủ chế độ uống thuốc theo đơn của Bác sĩ và kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà.

 

Chọn thực phẩm:

 

- Ưu tiên rau xanh: Rau xanh cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả như: Rau cải, cải thảo, bắp cải, súp lơ, muống, mồng tơi….

 

 

- Chọn trái cây ít đường: Thanh long, ổi, bưởi, cam, quả roi, dưa chuột là những lựa chọn tốt. Số lượng khoảng 200g/ bữa. Nên sử dụng trong 1 bữa phụ, bỏ thói quen ăn trái cây tráng miệng.

 

 

 

- Nên ăn ngũ cốc: Gạo (gạo lứt, gạo tẻ xay sát dối) bánh mì đen, các loại khoai củ.

- Hạn chế ăn khoai tây, miến dong, bánh mỳ trắng vì những loại này có chỉ số đường huyết cao dễ gây tăng đường huyết.

- Chất đạm nên chọn: Cá nạc, thịt gia cầm bỏ da, tôm, thịt nạc … Nên có chế độ cân bằng đạm động vật và đạm thực vật trong các bữa ăn bằng cách bổ sung thêm đậu phụ, sữa đậu nành không đường hoặc nhóm đậu.

- Hạn chế thịt mỡ, nội tạng động vật.

- Sử dụng dầu ăn tốt cho sức khỏe: Dầu ô liu, dầu đậu nành là những lựa chọn tốt.

 

* Chế độ ăn trong ngày Tết của bệnh nhân đái tháo đường nên lựa chọn thế nào?

 

-  Bánh chưng: Nên chọn loại ít mỡ, ít nhân ngọt. Chỉ nên ăn mỗi bữa 1/8 miếng với cái bánh trung bình, cần lưu ý 1 lưng bát con cơm = 1/8 chiếc bánh chưng vừa = 1 bát miến = 1 bát mỳ = 1 bát ngô = lưng bát xôi.

- Rau: Các loại rau 200g – 300g/ bữa (tương ứng 1 bát rau đầy) nên ăn rau trước, rồi ăn thức ăn và cơm. Trong ngày tết có thể dùng những món sa lát như: dưa chuột, xà lách, cà chua hoặc các món rau trộn như: Nộm xu hào, nộm rau củ (không có đường) để cung cấp cho cơ thể đủ chất xơ, nó giúp hấp thu Cacbonhydrat từ từ và từ đó giúp tránh tăng đường huyết sau ăn và phòng hạ đường huyết xa bữa ăn.

 

 

 

- Thịt: Nên ăn ở dạng luộc, hấp (80g-100g) / bữa, tránh ăn quá thừa nhiều chất đạm. Hạn chế các món quá nhiều dầu mỡ như xào, chiên, rán

- Rượu bia là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết, trong 100ml rượu sẽ cung cấp 7 Kcal. Nếu uống quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt những người cao tuổi và có bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch….

- Hạn chế đồ ngọt: Bánh kẹo, mứt, quả sấy khô, nước ngọt công nghiệp chứa nhiều đường, nên hạn chế tối đa.

-  Hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: xúc xích, lạp sườn, giăm bông, các loại hành muối, dưa muối nên ăn số lượng vừa phải, những bệnh nhân có biến chứng suy thận kèm theo thì phải hạn chế nhóm thực phẩm này.

- Các loại hạt sẵn có trong ngày Tết như hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, dẻ cười… có nhiều Magie và Kali cũng nên ăn với lượng vừa phải. Khi bệnh nhân có biến chứng suy thận kèm theo thì phải hạn chế nhóm thực phẩm này.

Tóm lại, người bệnh đái tháo đường trong những ngày Tết không nên quên sinh hoạt điều độ, nhớ uống thuốc đầy đủ, đúng liều. Cần duy trì một chế độ ăn điều độ, đúng giờ, bữa ăn không nên bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều dồn bữa. Ăn uống tuân thủ theo chế độ ăn bệnh đái tháo đường.

 

 

BS.CK I Lê Thị Thành – CNĐD Bùi Thị Phương Lan

Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Tin tức liên quan