Theo số liệu thống kê từ khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho thấy, số lượng trẻ nhi phải nhập viện điều trị nội trú luôn rất đông. Trung bình từ 80-90 trẻ/ngày. Tuy nhiên, số liệu này còn có xu hướng tăng cao 20 – 30% vào những thời điểm chuyển mùa trong năm và khi thời tiết trở lạnh. Phần đông trong số đó là các bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác như tay chân miệng, tiêu chảy, quai bị.
Tăng cao các bệnh về đường hô hấp
Một số bệnh hô hấp thường gặp như: Cúm, viêm phế quản biến chứng viêm phổi, viêm họng cấp… Đây là những bệnh phổ biến xuất hiện ở trẻ khi trời trở lạnh.
Đối với bệnh cúm, trẻ thường bị từ 6-7 lần/năm, trong đó có khoảng 10-15% trẻ bị cúm nhiều hơn 12 lần/năm. Khi mắc cúm, trẻ thường có một số biểu hiện như: Đau đầu, sốt nhẹ, mỏi cơ, chán ăn, nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu nhưng sau đó thường trở lên đặc hơn và chuyển màu vàng hoặc xanh lá cây.
Bệnh lý phổ biến thứ hai trẻ dễ mắc khi trời lạnh là viêm phế quản biến chứng viêm phổi và thường hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Bệnh gặp nhiều hơn ở những trẻ đang mắc một số bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà. Triệu chứng thường gặp nhất mà các bố mẹ cần quan tâm và phân biệt với các loại bệnh khác là biểu hiện ho, chảy nước mũi trong, sốt cao, ho ngày càng nhiều và khó thở, thở rít. Trường hợp nặng sẽ tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo, khó khăn, thậm chí ngừng thở. Thông thường, trẻ sẽ khò khè co kéo dài khoảng 7 ngày. Sau đó giảm dần rồi khỏi hẳn.
Bên cạnh đó, số liệu từ khoa Nhi cũng cho thấy, số trẻ nhập viện do viêm họng cấp cũng chiếm tỉ lệ đáng kể, khoảng 15-20% số trẻ nằm viện. Các biểu hiện thường thấy như đau họng khi nuốt, khàn tiếng, mất giọng, ho và có thể kèm theo sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn, nhiều trường hợp do virut. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, thầm chí dẫn tới biến chứng tại cơ tim và van tim.
Nguyên nhân và những điều cần lưu ý đối với bệnh mùa đông ở trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch con người, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ suy yếu vào mùa đông, khi thời tiết chuyển lạnh sẽ là thời điểm thuận lợi để nhiều bệnh tấn công cùng lúc. Nguyên nhân do khi thời tiết lạnh, niêm mạc mũi họng không thể sưởi ấm cho luồng không khí như lúc bình thường. Không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phổi. Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể nhẹ, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể thấp nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Bên cạnh đó, do hệ kinh và cơ chế điều chỉnh nhiệt của trẻ chưa hoàn hỉnh như người trưởng thành nên nên các gia đình có trẻ nhỏ cũng không nên suy luận nhiệt độ của người lớn ra nhiệt độ của trẻ. Do đó, trong việc sử dụng điều hòa để giữ ấm cho trẻ cần hết sức lưu ý và tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, kích thước của phòng và sức làm ấm của điều hòa. Đối với trẻ càng nhỏ thì nhiệt độ phòng càng phải ấm.
Để hạn chế cũng như phòng các bệnh mùa đông ở trẻ, các phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề. Trong đó, quan trọng hàng đầu là tăng cường sức đề kháng của trẻ bằng việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, chất đạm, vitamin cần thiết, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Vệ sinh cơ thể, mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ lớn cần súc miệng nước muối hàng ngày.
Trong việc phòng bệnh mùa đông cho trẻ, môi trường có ý nghĩa rất quan trọng. Việc mặc ấm vẫn chưa đủ đủ phòng bệnh bởi ngoài đảm bảo không khí, nhiệt độ phù hợp thì độ ẩm cũng rất quan trọng. Do đó, bên cạnh việc mặc ấm cần cho trẻ ở trong môi trường có không khí sạch, đủ độ ẩm, tránh tiếp xúc các nguồn lây nhiễm.
Trong việc giữ ấm cho trẻ, cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cổ và tai. Đây là những bộ phận dễ gây mất nhiệt trên cơ thể. Song song đó là giữ ấm đường thở bằng việc không để không khí lạnh tác động trực tiếp vào đường thở của trẻ; luôn mặc ấm, giữ ấm tay chân và đi tất khi ra ngoài trời lạnh. Hạn chế cho trẻ vận động ngoài trời khi lạnh hoặc mưa nhiều, thời tiết thay đổi nhiều trong ngày.
Trường hợp nếu trẻ có biểu hiện bất thường thì cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế uy tín gần nhất để được tư vấn và điều trị phù hợp. Tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc cho trẻ tránh nguy cơ phải nhập viện điều trị.
Đối với trẻ đi lớp, nếu trong lớp có trường hợp mắc bệnh dễ truyền nhiễm như chân tay miệng, cúm thì cần cho trẻ ở nhà, đi khám, tiêm phòng các loại vắc xin đầy đủ.