Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Báo cáo ca bệnh về lao màng bụng

15/09/2021
Share

ĐẶT VẤN ĐỀ

 

Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng, thường là thứ phát sau ổ lao khác. Ở Việt Nam lao màng bụng chiếm 6,5% trong các thể lao ngoài phổi. Hay gặp ở độ tuổi dưới 40, nhất là 20 - 30 tuổi. Nữ gặp nhiều hơn nam. Lâm sàng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, cũng như các bệnh lao khác, bệnh nhân lao màng bụng cũng có: Sốt nhẹ về chiều, ăn uống kém, mệt mỏi, gầy sút, suy kiệt. Đau bụng âm ỉ nhưng cũng có lúc đau từng cơn, kèm theo buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón; ổ bụng có dịch. Ở giai đoạn xơ dính: bụng lõm lòng thuyền; hoặc bụng tròn và rắn như một quả bóng do xơ co kéo (nhiều trường hợp xơ co kéo dẫn tới tắc ruột).

    

Lao màng bụng được chẩn đoán khi tìm đựợc vi trùng lao trong dịch màng bụng hay sinh thiết được các tổn thương trên màng bụng hay đường tiêu hóa có kết quả mô bệnh học viêm lao.      

 

Bài viết này thông báo 01 trường hợp lao màng bụng được điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

 

BÁO CÁO CA BỆNH

 

Bệnh nhân B.T.D, 32 tuổi, trú tại: Tân Lạc - Hòa Bình. Tiền sử: 2 tháng trước mổ viêm phúc mạc ruột thừa, cắt u nang buồng trứng tại TTYT huyện Tân Lạc, sau đó xuất hiện các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, nôn, kèm theo đau bụng vùng quanh rốn âm ỉ liên tục. Khai thác tiền sử dịch tễ có người nhà bị Lao phổi đã điều trị tại BV Lao phổi TW.

 

 

BS Quỳnh thăm khám lại cho bệnh nhân

 

Tình trạng lúc vào viện: thể trạng suy kiệt nhiều (BMI= 16,25), da xanh niêm mạc nhợt. Đau bụng, buồn nôn, bụng chướng, không có phản ứng thành bụng, xét nghiệm hồng cầu 2,71 triệu, Hb 58 g/l, Albumin 22,1 g/l; Hình ảnh CLVT ổ bụng dày phúc mạc, nhiều hạch ổ bụng; nội soi đại trực tràng: Viêm manh tràng, TD khối từ ngoài chèn ép vào manh tràng. Lâm sàng, tình trạng tắc ruột tăng lên, được mổ cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật thấy phía dưới các quai ruột có các khối lổn nhổn nhỏ, xét nghiệm giải phẫu bệnh, kèm theo mở thông hỗng tràng nuôi ăn.

      

Hậu phẫu, khoa HSTC Ngoại, nuôi dưỡng tĩnh mạch, qua sonde hỗng tràng, kháng sinh, bù máu, bù albumin, giảm đau qua catheter ngoài màng cứng. Kết quả giải phẫu bệnh: Tổn thương viêm hoại tử, phù hợp với viêm lao (Lao không điển hình). Hội chẩn chuyên khoa Lao, điều trị theo phác đồ Chương trình chống lao Quốc gia 2RHZE/4RHE, nâng thể trạng và chăm sóc hậu phẫu. Hậu phẫu ổn định, ra viện và tiếp tục điều trị theo phác đồ lao.

 

BÀN LUẬN

 

Theo các nghiên cứu, nữ giới bị lao màng bụng, là do vi khuẩn từ ống Fallop bị lao xâm nhập tới màng bụng, điều này lý giải cho tỷ lệ nhiễm lao màng bụng ở nữ cao hơn nam. Hồi cứu lại, bệnh nhân có tiền sử cắt u nang buồng trứng tại TTYT tuyến huyện, rất tiếc chúng tôi không tìm thấy kết quả GPB của bệnh nhân. Bụng có dịch do lao xảy ra ở lứa tuổi trẻ gặp nhiều hơn so với nhóm bụng có dịch không do lao, phù hợp với y văn, lao màng bụng thường xảy ra ở lứa tuổi 20-30. Trong khi đó bụng có dịch không do lao đa số nguyên nhân là ung thư di căn hay ung thư nguyên phát lại xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi.

 

Chẩn đoán lao màng bụng gặp nhiều khó khăn và chậm trễ do dựa vào kết quả sinh thiết màng bụng hay nhuộm, cấy dịch ổ bụng. Nhuộm tìm có độ nhạy rất thấp dưới 6 %, cấy tìm vi khuẩn lao đòi hỏi hơn 4 đến 6 tuần lễ mới cho kết quả và độ nhạy cũng không cao khoảng 20%. Sinh thiết màng bụng mù có độ nhạy thấp, sinh thiết qua nội soi ổ bụng có độ nhạy cao hơn khoảng 90% nhưng là một phương pháp xâm lấn, phức tạp nhiều biến chứng.

 

Nghiên cứu của Trần Thị Khánh Tường, đại học Y Phạm Ngọc Thạch, cho rằng đo ngưỡng adenosine deaminase (ADA) trong dịch ổ bụng, là một xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán phân biệt bụng có dịch do lao hay do nguyên nhân khác. Tác giả khuyến cáo: nên thực hiện xét nghiệm này thường qui trên những bệnh nhân bụng có dịch nghi ngờ do lao để chẩn đoán xác định lao màng bụng mà không cần phải sinh thiết màng bụng qua nội soi như hiện nay và có thể áp dụng trong tất cả các bệnh viện khác, đặc biệt những bệnh viện chưa thực hiện được sinh thiết màng bụng.

 

Ca bệnh của chúng tôi phải mổ cấp cứu do tắc ruột, đây cũng là một trong các biến chứng của lao màng bụng thể xơ dính: Chiếm 10% trường hợp, tổ chức xơ và dính phát triển ở màng bụng gây nên co kéo và dính các tạng thành từng đám gồm các mạch máu, mạc treo, ruột. Sự xơ dính này làm các quai ruột bị tắc gây ra hội chứng bán tắc hoặc tắc ruột. Bệnh nhân được xét nghiệm giải phẫu bệnh tổ chức nghi ngờ, kết hợp mở thông hỗng tràng nuôi ăn là hợp lý, bởi một thể trạng suy kiệt, hậu phẫu chỉ dinh dưỡng đường tĩnh mạch là chưa đủ. Kết hợp điều trị thuốc lao theo phác đồ sau khi có kết quả giải phẫu bệnh.

 

KẾT LUẬN

        

Khai thác kĩ tiền sử, cùng các triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân nữ, trẻ tuổi kết hợp làm xét nghiệm ADA có thể chẩn đoán được lao màng bụng mà chưa cần can thiệp xâm lấn. Mở thông hỗng tràng nuôi ăn giúp hỗ trợ tốt dinh dưỡng cho bệnh nhân cố thể trạng suy kiệt.

                                                                                            

BS. Quỳnh Quỳnh

Tin tức liên quan