Trang thông tin điện tử Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Hòa Bình

Ăn dầu mỡ có tác dụng như thế nào với trẻ em

14/03/2024
Share

* Chất béo là gì?

 

Chất béo (lipid) là một trong ba nhóm chất dinh dưỡng đa lượng chính trong chế độ ăn uống của con người (carbohydrate, protein và lipid). Chúng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong cơ thể 1g lipid cho 9Kcal năng lượng. Ngoài ra chất béo còn là nguồn cung cấp các acid béo để tham gia vào quá trình xây dựng cơ thể như phospholipid là thành phần quan trọng chính tạo màng tế bào và các bào quan; triglyceride trong mô mỡ dưới da, quanh các tạng có tác dụng ngăn cản sự tỏa nhiệt; Sphingolipid tham gia cấu tạo chất myelin bao bọc xung quanh sợi trục của các tế bào thần kinh. Việc cung cấp chất béo trong quá trình ăn uống giúp tạo cảm giác ngon miệng và tăng cường khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K và tích trữ chúng.

 

Chất béo được đưa vào cơ thể dưới 2 dạng:

 

-  Thức ăn động vật cung cấp chất béo dưới dạng bơ, mỡ chúng chứa các acid béo no (acid béo mà trong chuỗi carbon không có liên kết đôi)

 

-   Thức ăn thực vật cung cấp chất béo dưới dạng dầu như  dầu lạc, dầu dừa, dầu vừng, dầu đậu nành,…  chúng chứa các acid béo không no (trong phân tử có một hoặc nhiều liên kết đôi)

 

 

 

* Dầu và mỡ khác nhau như thế nào?

 

Dầu ăn có thành phần chủ yếu là những acid béo không no (chất béo chưa bão hòa có trên 1 nối đôi trong cấu trúc phân tử) và có ít hoặc không có cholesterol. Chủ yếu có nguồn gốc từ thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu cá,… Chúng thường có dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Các loại dầu khác nhau chứa thành phần acid béo khác nhau.

 

Mỡ có thành phần chủ yếu là những acid béo no (chất béo bão hòa, không có nối đôi trong cấu trúc phân tử) và có cholesterol. Chủ yếu có nguồn gốc từ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, bơ,… Thường có dạng rắn khi ở nhiệt độ phòng.

 

* Chất béo, dầu mỡ có vai trò như thế nào đối với sức khoẻ của trẻ em?

 

  

 

 

Trẻ em cần chất béo, đặc biệt các chất béo có chứa các acid béo cần thiết như acid linoleic, linolenic và arachidonic. Thực phẩm ít chất béo có thể gây thiếu hụt axit béo. Trẻ em đặc biệt cần chất béo bão hòa và cholesterol để duy trì các mô khỏe mạnh và màng tế bào khỏe mạnh. Cholesterol và chất béo bão hòa từ sữa mẹ, trứng, kem, dầu dừa và thịt là những thực phẩm cần thiết trong chế độ ăn của trẻ.

 

Chất béo bão hòa tham gia vào quá trình kết hợp canxi vào xương, giúp giữ chất béo omega-3 lại trong các mô và bảo vệ hệ thống miễn dịch (do chúng ngăn ngừa sự tích tụ của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa). Chất béo bão hòa là nguồn thức ăn phổ biến cung cấp acid arachidonic.

 

Cholesterol đóng vai trò là tiền thân của các hormone quan trọng bao gồm hormone giới tính, thượng thận và là tiền chất của vitamin D cần thiết cho sự phát triển của xương. Ngoài ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần thực phẩm giàu cholesterol để đảm bảo sự phát triển bình thường của não và hệ thần kinh.

 

Trẻ em cũng cần chất béo omega-3 (chất béo chưa bão hòa) để phát triển trí não. Omega-3 tạo tính linh hoạt cho màng tế bào và giúp các chất dinh dưỡng có thể qua màng một cách dễ dàng. Từ đó giúp tăng cường bảo vệ sức khỏe.

 

 *  Nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ ăn thiếu dầu mỡ?

 

Trẻ càng nhỏ nhu cầu về chất béo càng cao, vì vậy trẻ ăn ít dầu mỡ sẽ bị thiếu năng lượng dẫn đến suy dinh dưỡng. Thiếu dầu mỡ cũng làm trẻ không hấp thu được vitamin D, A - là những vitamin tan trong dầu mỡ dẫn đến còi xương chậm lớn. Như vậy nguyên nhân trẻ chậm lớn, còi xương là do không ăn hoặc ăn quá ít chất béo nói chung. Dầu mỡ cung cấp các acid béo cần thiết cho quá trình phát triển trí não của trẻ, trẻ không ăn dầu mỡ có thể dẫn đến chậm phát triển trí não.

 

* Trẻ bị thừa cân, béo phì có cần kiêng hẳn dầu mỡ không?

 

Chất béo cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ. Do đó theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo khi trẻ bị béo phì thì chỉ hạn chế dầu mỡ trong bữa ăn chứ không cấm ăn dầu mỡ hay kiêng hẳn dầu mỡ.

 

* Những lưu ý khi mẹ bổ sung dầu mỡ vào thực đơn của bé?

 

- Với dầu ăn, các mẹ  cho vào thức ăn của trẻ khi đã tắt bếp. Không nên dùng dầu ăn chiên lại nhiều lần.

 

- Với mỡ động vật như mỡ gà, mỡ cá.. các mẹ cho vào thức ăn khi đang chế biến trên bếp lửa.

 

- Chú ý hạn sử dụng cũng như  đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm dầu ăn khi mua về. Tránh dùng khi thấy hết hạn, hoặc có nẫm mốc, có mùi, có mầu bất thường. Bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, để dầu ở lọ sành, chai thủy tinh sạch và khô ráo, tránh đựng trong đồ vật bằng kim loại.

 

- Khi dùng dầu, mỡ cho trẻ, các mẹ cũng không nên quá lạm dụng như dùng tăng lượng dầu mỡ khi chế biến, thực đơn thường xuyên cho bé ăn các món chiên, xào, rán,  sẽ dễ dẫn đến nguy cơ khiến bé bị thừa cân và béo phì.

 

   

 

Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cần giải đáp thêm hoặc có nhu cầu khám dinh dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, đăng ký khám và tư vấn tại phòng khám Dinh dưỡng – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

 

BS.CKI Lê Thị Thành - TK Dinh dưỡng

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Tin tức liên quan